Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, phụ nữ bị tiểu đường vẫn có thể cho con bú sữa mẹ, không những không gây hại mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Lợi ích khi cho con bú sữa mẹ
Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ phát triển tiểu đường type 2. Cho con bú sữa mẹ giúp giảm đáng kể nguy cơ này nhờ làm tăng độ nhạy insulin và tăng khả năng chuyển hóa glucose ở người mẹ. Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y học của Mỹ năm 2015, phụ nữ cho con bú ít nhất 2 tháng có thể giảm gần như một nửa nguy cơ mắc tiểu đường type 2 trong tương lai.
Phụ nữ mắc tiểu đường type 1 hoặc 2 cũng nhận được nhiều lợi ích bao gồm giảm cân và phục hồi nhanh hơn sau khi sinh. Cho con bú cũng giúp các mẹ mắc bệnh tiểu đường giảm được nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe khác như viêm khớp, loãng xương, cao huyết áp, ung thư vú và ung thư buồng trứng. Những bé bú sữa mẹ có nguy cơ mắc tiểu đường type 1 và 2 ít hơn những bé không được bú. Sữa mẹ cũng góp phần ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tai, rối loạn tiêu hóa, hen suyễn, chàm… ở trẻ.
Lưu ý khi dùng thuốc, phòng tránh đường huyết mất kiểm soát
Nhiều mẹ cảm thấy lo lắng vì sợ insulin và các thuốc điều trị tiểu đường sẽ bài tiết vào sữa mẹ và gây hại cho em bé. Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, hầu hết các thuốc điều trị tiểu đường cho người mẹ như insulin và metformin đều an toàn cho bé. Dù vậy, người bệnh đang điều trị bằng insulin nên trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh liều lượng sử dụng mỗi ngày nếu cần.
Một số thuốc điều trị tiểu đường type thế hệ mới chưa được nghiên cứu sâu về mức độ an toàn hoặc không được khuyến nghị sử dụng trong quá trình cho con bú. Các mẹ nên trao đổi với bác sĩ để được chỉ định dùng thuốc phù hợp. Cho con bú có thể khiến mức đường huyết thay đổi khó dự đoán hơn nên chị em cần theo dõi đường huyết thường xuyên.
Người bệnh có thể bị hạ đường huyết vào ban đêm. Tình trạng này gây ra các triệu chứng như ngủ không ngon giấc, đổ mồ hôi nhiều, cảm thấy nóng, thở gấp, tăng nhịp tim, run rẩy, đau đầu, mệt mỏi, khó chịu vào sáng hôm sau. Các mẹ nên trao đổi lại với bác sĩ để điều chỉnh lịch ngủ khi cho con bú, thay đổi liều insulin và thuốc điều trị trong giai đoạn này.
Nếu phải cho con bú khi đang đi ra ngoài, các mẹ nên ăn nhẹ trước khi cho con bú để tránh đường huyết bị hạ quá mức. Người bệnh cần tiêu thụ thêm calo mỗi ngày để hỗ trợ quá trình sản xuất sữa. Bác sĩ có thể hướng dẫn lượng calo cần nạp thêm và loại thực phẩm có lợi cho quá trình kiểm soát đường huyết.
Chị em nguy cơ cao bị nhiễm nấm khi cho con bú, thường gặp là tình trạng nhiễm nấm ở ti và đầu ti. Tình trạng này gây đau hoặc ngứa đầu ti, chảy mủ, thay đổi màu sắc đầu ti và có thể ảnh hưởng đến quá trình cho con bú. Nếu nhận thấy triệu chứng, các mẹ cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị, tránh gây ảnh hưởng đến bé.
Phương Quỳnh (Theo Healthline, Hiệp hội Tiểu đường Mỹ)