Ăn không ngon miệng (dân gian gọi là ăn không vô) thực chất là thất lạc cảm giác thèm ăn. Cảm giác thèm ăn sẽ nhận lệnh từ não – ruột. Khi không có gì bỏ bụng, ruột sẽ báo động cho não, kích hoạt sự thèm ăn.
Thế nên nếu có gì đó chặn tín hiệu báo động này lại, cảm giác thèm ăn sẽ không còn.
Vì sao chán ăn?
Cảm giác ngon miệng biến mất do nhiều nguyên do. Đó có thể do loét dạ dày, trào ngược dạ dày, ruột kích thích…
Tình trạng đau nửa đầu, đau răng, biến động nội tiết tố, dị ứng, không dung nạp thức ăn… cũng khiến khổ chủ ăn không ngon miệng.
Ngoài ra, có những nguyên nhân từ: tâm lý (căng thẳng, trầm cảm, chán ăn tâm thần); nhiễm trùng (cảm, cúm, COVID-19, rotavirus, thương hàn…), ký sinh trùng, suy tuyến giáp, bệnh gan mật, thượng thận, ung thư; thuốc (kháng sinh, chống trầm cảm, hóa trị); nắng nóng, mất nước, rượu, thuốc lá, thể dục quá độ…
Ở teen, nguyên nhân gây chán ăn phần lớn là do stress, lộn xộn đường ruột, răng miệng kém, hội chứng tiền kinh nguyệt, thiếu máu, nắng nóng, cà phê, thuốc lá, hoặc thi thoảng cảm cúm, nhiễm siêu vi xoàng…
Thuốc thèm ăn
Một số thuốc như: lysin, taurin, hydrosol polyvitamin, cycloheptadin, hydrocortison… có thể giúp cơn thèm ăn trở lại. Tuy nhiên, một số thuốc có tác dụng phụ đáng ngại, cần có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Coi chừng nhầm lẫn với chán ăn tâm thần
Ăn không ngon miệng được xếp vào dạng chán ăn, dễ nhầm với chán ăn tâm thần (anorexia nervosa). Anorexia nervosa là một rối loạn tâm thần chính hiệu, nguy hiểm hơn gấp nhiều lần chán ăn thông thường.
Mẹo phân biệt là chán ăn thông thường là do mất cảm giác thèm ăn, tức mất hút cảm giác đói, trong khi với chán ăn tâm thần, bạn vẫn cảm thấy đói nhưng lại “cự tuyệt” đụng tới món ăn.
Người chán ăn tâm thần có thể tử vong vì suy kiệt. Tuy vậy, chán ăn tâm thần mới chớm trông khá giống với ăn không ngon miệng, cho nên đề phòng là việc vô cùng cần thiết, nhất là với tuổi teen.
Mệt mỏi và ăn không ngon rất hay “dắt tay nhau”, đến độ ăn không ngon miệng còn có tên là “mệt mỏi chán ăn”.
Mệt mỏi trong trường hợp này thường do mất ngủ, thiếu máu, nhưng lắm khi thuộc loại vô thừa nhận gọi là hội chứng mệt mỏi kéo dài (ME/CFS), hay gặp ở người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài.
Bệnh này cũng không chừa tuổi teen. Khi rơi vào trường hợp này, cần điều trị kép cả ngon miệng và mệt mỏi, nếu không khó lòng ăn ngon trở lại.
Nhiều bạn ăn không ngon lại thêm chứng buồn nôn, dễ bị hiểu nhầm là nạn nhân nhìn muốn ói do ghê ghét món ăn, không phải chán ăn. Trường hợp này phải xử lý cả hai mũi. Nếu bỏ sót thì cơn buồn nôn sẽ dập tắt cảm giác thèm ăn, và bệnh ăn không ngon tái xuất.