Khi phải phẫu thuật, tức là vùng da nơi vết mổ bị tổn thương. Lập tức cơ thể sẽ huy động cơ chế tự nhiên để vá phần da bị thương tổn. Vết thương mau lành, không để lại sẹo lồi, sẹo lõm là ước muốn của tất cả người bệnh. Để vết thương mau lành phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó việc chăm sóc vết thương bên ngoài và chế độ dinh dưỡng hàng ngày rất quan trọng.
Quá trình lành vết mổ sau phẫu thuật và các yếu tố ảnh hưởng
Sau khi phẫu thuật, chỗ vết mổ (vết thương) hở sẽ huy động cơ chế tự nhiên để vá phần da bị thương tổn. Quá trình liền vết mổ trải qua 4 giai đoạn cơ bản: giai đoạn cầm máu, giai đoạn viêm, giai đoạn tăng sinh và giai đoạn tái tạo.
Tùy vào mức độ nghiêm trọng, diện tích của vết mổ và cơ địa mỗi người mà 4 giai đoạn này có thể nhanh hơn hoặc chậm hơn, để lại sẹo hoặc không để lại sẹo.
– Giai đoạn cầm máu
Do tác động của ngoại vật, vết thương chảy máu và tác động lên các bó sợi collagen tại vết thương, kích thích sự hoạt hóa của tiểu cầu và các yếu tố đông máu khác. Ngay tại chỗ bị thương sẽ xuất hiện các cục máu đông có nhiệm vụ ngăn ngừa máu chảy. Trong trường hợp vết thương quá sâu, quá lớn hoặc chạm vào các mạch máu lớn khiến các yếu tố đông máu không kịp hình thành, máu sẽ tiếp tục chảy. Lúc này cần áp dụng các cách ngăn sự chảy máu từ bên ngoài như băng gạc, ga rô.
– Giai đoạn viêm
Quá trình viêm diễn ra trong vòng 24- 48h sau phẫu thuật, do có sự can thiệp của bạch cầu đa nhân trung tính làm nhiệm vụ “dọn dẹp” những vật thể lạ xâm nhập vào vết thương bằng hiện tượng thực bào. Khi cơ thể bị suy giảm hệ thống miễn dịch thì số lượng đại thực bào bị suy giảm dẫn đến quá trình loại bỏ vật thể lạ bị suy yếu. Đây là một nguyên nhân làm chậm quá trình lành vết thương.
– Giai đoạn tăng sinh
Sau phẫu thuật khoảng 2 ngày, vết thương sẽ bước vào giai đoạn tăng sinh. Ở giai đoạn này, vết thương sẽ phát triển mô hạt gốc bao gồm các tế bào sợi và mạng lưới mạch máu tân sinh nhờ sự di chuyển và tăng sinh các tế bào nội bì. Giai đoạn tăng sinh thường diễn ra trong vòng 7-14 ngày sau khi bị thương. Đây cũng là khoảng thời gian các nguyên bào sợi làm nhiệm vụ kéo các mô về trung tâm, giúp vết thương liền miệng, hạn chế sẹo.
– Giai đoạn tái tạo
Đây là giai đoạn giúp khôi phục lại tính toàn vẹn và chức năng của mô. Nó không những giúp vết thương liền nhanh hơn, bền vững hơn mà còn quyết định tới hình dạng vết thương sau quá trình lành hoàn thiện. Nếu giai đoạn này diễn ra nhanh và mạnh có thể làm vết thương hình thành sẹo lồi và ngược lại.
Trong quá trình liền sẹo sẽ có những yếu tố tác động khiến sẹo lâu liền hơn. Các
nghiên cứu cho thấy, sự lành sẹo của một vết mổ nhanh hay chậm, xấu hay đẹp tùy
thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước, độ sâu của vết thương, chế độ dinh dưỡng sau khi mổ. Với những vết thương nhỏ, nông thì dễ lành hơn vết thương to, sâu. Vết thương bị dập nát nhiều, bị bẩn sẽ chậm lành hơn vết thương lành và sạch. Người cao tuổi, người mắc các chứng bệnh như đái tháo đường, tăng năng vỏ thượng thận, tim mạch, hô hấp mạn tính; người bị rối loạn đông máu như bệnh giảm tiểu cầu; người đang điều trị bằng thuốc có chất corticoid hoặc dùng hóa trị bệnh ung thư, đang dùng thuốc chống đông máu; người bị suy kiệt, thiếu các chất như đạm, kẽm, các vitamin… vết thương sẽ chậm lành hơn. Do đó, bổ sung vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày đầy đủ lượng chất đạm, kẽm, vitamin chính là một cách giúp vết mổ mau lành.
Dinh dưỡng sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật, điều mà người bệnh quan tâm luôn là sức khỏe, vết thương nhanh liền, không để lại sẹo, nhất là sẹo lồi.
Một số người quan niệm, sau mổ nếu ăn thịt chim, thịt gà thì vết mổ mưng mủ, ngứa, nhức; ăn tôm bị ngứa; ăn hải sản, rau muống cho sẽ bị sẹo lồi; ăn thịt bò sẹo sẽ bị thâm; ăn trứng vết sẹo bị loang màu… Đây là quan điểm hết sức sai lầm.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cơ chế gây ra sẹo lồi. Cũng chưa có một công trình khoa học nào chứng minh rằng, các loại thực phẩm như thịt bò, thịt gà, hải sản… là nguyên nhân gây sẹo lồi.
Ngược lại các chất như đạm, kẽm, vitamin đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình liền vết thương. Nếu thiếu các chất này thì vết thương sẽ chậm liền. Đạm có nhiều trong các loại thịt, trứng, sữa còn kẽm có nhiều trong hải sản như hàu, cá biển… Sau phẫu thuật, trong chế độ dinh dưỡng cần tăng cường bổ sung chất đạm, kẽm và vitamin bằng cách ăn đa dạng các loại thực phẩm. Chỉ cần tránh các loại thực phẩm cơ thể dị ứng. Riêng đối với các phẫu thuật có liên quan tới hệ tiêu hóa, sau mổ vài ngày nên ăn đồ lỏng, ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày nhưng vẫn nhất thiết cần đa dạng các loại thực phẩm để đủ chất.
Ngoài cung cấp chế độ dinh dưỡng phong phú, đủ chất thì việc giữ cho vết thương hậu phẫu luôn khô, sạch sẽ giúp quá trình lên da non diễn ra nhanh hơn.