Tan ca, anh Minh, đang là công nhân, đưa đón con gái đầu lòng đến lớp học thêm rồi về nhà cùng vợ lo cơm nước, chơi đùa với con trai nhỏ. Hạnh phúc giản đơn cạnh vợ con là điều anh chưa từng dám mơ ước, khi nhận kết quả chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2012, cũng là thời điểm anh chuẩn bị lập gia đình.
“Tôi suy sụp, nghe nói ai mắc bệnh cũng chỉ sống 1-2 năm nên tôi định tự tử để khỏi liên lụy vợ sắp cưới, khỏi phải tiếp tục làm khổ gia đình”, anh nhớ lại.
Trước đó, anh nghiện ma túy hơn ba năm, dùng chung kim tiêm với bạn nghiện. Được một thời gian, anh thấy cơ thể yếu ớt, khó thở, sụt cân, nổi mẩn khắp trên da. Anh liên hệ với một nhóm hỗ trợ cộng đồng, được hướng dẫn đến bệnh viện xét nghiệm và nhận kết quả dương tính HIV.
Bác sĩ phát thuốc kháng virus ARV miễn phí, dặn về nhà uống mỗi ngày một viên để “sống chung với bệnh”. Chán chường vì chẳng còn nhìn thấy tương lai, anh không đụng đến thuốc. Giấu vợ sắp cưới chuyện nghiện hút, anh dự định khi cưới vợ sẽ cai thuốc, làm lại cuộc đời, song mắc bệnh khiến người đàn ông thấy mình “cùng đường, không còn tha thiết gì nữa”.
Chị Lưu Thị Thanh Ngoan, trưởng một nhóm hỗ trợ cộng đồng tại khu vực phía Nam, cho biết giai đoạn đó, nhóm phải thường xuyên liên lạc với anh Minh. Nghe anh tỏ bày, chị kiên trì giải thích bệnh HIV đã có thuốc điều trị, không thể chữa khỏi nhưng chỉ cần uống thuốc ARV đều đặn để kìm hãm lượng virus, anh sẽ có cuộc sống khỏe mạnh.
“Nếu tải lượng virus ở dưới mức phát hiện được, anh sẽ không lây truyền bệnh qua đường tình dục, có thể lấy vợ, sinh con bình thường”, chị Ngoan khuyên.
Được sự động viên, người đàn ông quyết định thổ lộ sự thật bệnh tình cùng vợ sắp cưới. Cùng lúc đó, các thành viên trong nhóm hỗ trợ cộng đồng cũng bên cạnh giải thích để giúp vợ anh hiểu về HIV. Vượt qua cú sốc ban đầu, vợ chấp nhận đồng hành, với điều kiện anh phải cai nghiện thành công.
Thay vì đến cơ sở cai nghiện với quy trình bắt buộc 1-2 năm, anh tự cai tại nhà, hy vọng rút ngắn thời gian. Mẹ và vợ “nhốt” anh vào phòng riêng, trói tay chân vào giường, hàng ngày tiếp tế cơm nước. “Những ngày đầu, mỗi lần lên cơn tôi chỉ muốn bứt dây vùng ra ngoài, trèo tường bỏ chạy”, anh nhớ lại. Được sự động viên của vợ, người chồng quyết tâm chịu đựng để qua cơn, nhưng chỉ được một tuần là lại chạy đi tìm bạn bè để dùng ma túy.
Thất bại lần đầu, anh thuyết phục vợ chấp nhận cho mình thêm cơ hội thử sức lần hai. Được sự hỗ trợ thuốc thay thế từ nhóm cộng đồng, anh dần qua các cơn nghiện. Sau nửa năm đoạn tuyệt được với cám dỗ, tưởng chừng bản lĩnh đã vững vàng thì anh tái nghiện trong những lần đi đám tiệc, gặp lại bạn bè cũ.
“Trải qua 4 lần trong ba năm, tôi mới dứt hoàn toàn được ma túy, không còn cảm giác thèm dù đi ngang những nơi hay tụ tập ngày xưa. Đặc biệt, nhờ lần cuối vợ dọa bỏ mặc, nhóm cộng đồng đến hỗ trợ mỗi ngày, tôi mới tỉnh ngộ”, anh Minh nói.
Sau đó, anh bước vào quá trình tuân thủ điều trị gắt gao để hồi phục sức khỏe, tính chuyện sinh con. Đi khám ở bệnh viện đa khoa gần nhà, bác sĩ khuyên không nên có con vì dễ lây cho vợ con. Không bỏ cuộc, anh tìm đến một bệnh viện lớn chuyên điều trị HIV ở TP HCM. Bác sĩ tư vấn dùng thuốc ARV đều đặn để duy trì tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu, tức ngưỡng không phát hiện được, không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho vợ. Ngưỡng này được gọi là Không phát hiện = Không lây truyền (K=K).
Sau một thời gian dùng thuốc, kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm cả hai vợ chồng, anh đủ điều kiện để có thể lên chức bố. Vợ anh nhanh chóng mang thai, bé gái chào đời được uống siro để dự phòng lây nhiễm.
“Ngày nhận kết quả con không mắc bệnh, vợ cũng an toàn, cảm xúc không nói thành lời”, anh Minh chia sẻ. Vài năm sau, anh chị tiếp tục chào đón bé trai. Hiện hai bé đều đã đi học, khỏe mạnh.
Điều khiến anh trăn trở nhất là mọi người còn khá kỳ thị bệnh nhân HIV. Anh từng chứng kiến một người mắc HIV đến quán ăn, sau đó chủ quán ném luôn bát đũa người đó vừa dùng xuống sông. Gia đình anh vẫn cố giữ kín thông tin mắc bệnh, để con cái được đi học bình thường, bởi thực tế anh uống thuốc đều đặn, không có khả năng lây nhiễm, vợ con đều khỏe mạnh, sẽ không lây sang người khác.
Tự thấy bản thân “quá đỗi may mắn”, anh dự định sẽ tham gia làm cộng tác viên nhóm cộng đồng để trở thành “bằng chứng sống”, hỗ trợ những người có hoàn cảnh tương tự. Bạn bè trong nhóm nghiện hút ngày xưa của anh, 7-8 người đã mất sau một thời gian mắc bệnh, không uống thuốc điều trị. Số còn lại cũng không ai lập gia đình sinh con vì bị kỳ thị, không may mắn tìm được người thấu hiểu.
“Mình muốn nói với những người đồng cảnh ngộ rằng mình làm được thì các bạn có thể làm được, có thể vượt qua được, chỉ cần tuân thủ điều trị”, anh bày tỏ.
Ban đầu, anh nghĩ bệnh này rất đáng sợ. Sau hơn 12 năm sống khỏe mạnh, có gia đình hạnh phúc, lại được điều trị miễn phí, anh càng vui vẻ, quý trọng cuộc sống. Mỗi tháng, anh đều đặn đến bệnh viện nhận thuốc miễn phí, uống một viên cố định vào 21h mỗi ngày.
“Giống như là uống thuốc bổ hàng ngày thôi”, anh nói.
Lê Phương
* Tên nhân vật đã được thay đổi