1. Tự ý nghỉ việc có lấy được sổ bảo hiểm xã hội về không?
Theo khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động.
Quy định này không phân biệt là chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật hay trái luật. Do đó, chỉ cần hợp đồng lao động bị chấm dứt thì người sử dụng lao động đều phải chốt sổ bảo hiểm xã hội và trả lại sổ này cho người lao động.
Như vậy, ngay cả khi tự ý nghỉ việc, người lao động vẫn được nhận lại sổ bảo hiểm xã hội sau khi doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục chốt sổ tại cơ quan bảo hiểm xã hội.
Điều này cũng được khẳng định lại tại khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:
5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Nếu không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động lao động sẽ bị phạt từ 02 – 04 triệu đồng/người lao động không được trả sổ nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng (theo điểm d khoản 4 Điều 41 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
2. Người lao động nghỉ ngang tự đi chốt sổ bảo hiểm được không?
Theo khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, việc chốt sổ bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động mà không quan tâm rằng người đó chấm dứt hợp đồng đúng luật hay trái luật.
Theo đó, người lao động nghỉ ngang không thể tự chốt sổ bảo hiểm xã hội mà phải nhờ đến công ty cũ.
Tuy nhiên do nghỉ ngang được xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật nên phía doanh nghiệp sẽ yêu cầu người lao động bồi thường trước khi thực hiện chốt sổ bảo hiểm cho người đó.
Căn cứ Điều 40 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ phải bồi thường các khoản sau:
(1) – Bồi thường nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước khi nghỉ việc.
(2) – Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo nếu trước đó từng được cử đi học nghề từ kinh phí của người sử dụng.
Thời hạn thanh toán được đặt ra đối với các khoản tiền trên là trong vòng 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì được kéo dài lên đến 30 ngày.
Ngoài việc phải bồi thường, người lao động nghỉ ngang còn mất đi cơ hội hưởng trợ thôi việc và trợ cấp thất nghiệp.
3. Công ty không trả sổ bảo hiểm do tự ý nghỉ việc, xử lý thế nào?
Dù nghỉ việc đúng luật hay tự nghỉ trái luật thì người lao động cũng đều phải được chốt thời gian đóng bảo hiểm và trả lại sổ bảo hiểm xã hội để sau này tiếp tục tham gia ở công ty mới.
Lúc này, nếu công ty cố tình không trả sổ bảo hiểm xã hội, người lao động có thể đòi lại sổ bảo hiểm xã hội thông qua một trong các cách sau đây:
Cách 1. Khiếu nại theo quy định
Căn cứ khoản 2 Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội, đối với các tranh chấp liên quan đến sổ bảo hiểm xã hội, người lao động tiến hành khiếu nại như sau:
– Khiếu nại lần 1: Đến người sử dụng lao động.
Nếu không được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì có thể thực hiện khiếu nại lần 2.
– Khiếu nại lần 2: Đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính.
Cách 2. Tố cáo vi phạm.
Việc giữ sổ bảo hiểm xã hội của người lao động sau khi chốt thời gian đóng là hành vi vi phạm pháp luật nên người lao động có thể tố cáo hành vi này đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính để xử lý vi phạm và đòi lại sổ bảo hiểm.
Cách 3: Khởi kiện đến Tòa án.
Theo khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019 và khoản 2 Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động có thể trực tiếp gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở để đòi lại sổ bảo hiểm xã hội.
Trên đây là nội dung giải đáp cho câu hỏi: “Tự ý nghỉ việc có lấy lại được sổ bảo hiểm xã hội?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, quý độc giả liên hệ ngay tổng đài 19006192 để được tư vấn chi tiết.