Đọc trong Thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Côrintô (10:23-30), con có thắc mắc: Tại sao ăn được thức ăn ngoài chợ bán hoặc ai mời đến nhà thì được ăn, nhưng tại sao lại không được ăn đồ cúng? Có khác gì không? Xin cha giải thích giùm. Cám ơn cha (Ngọc Nga).
Chị Ngọc Nga thân mến,
Nếu chúng ta đọc từ chương 8, thì chúng ta thấy là ở đây thánh Phaolô đang bàn đến vấn đề thịt cúng (thịt dâng cho các ngẫu tượng). Thật ra ngài không đưa ra chứng cớ gì cả, ngài chỉ nói đơn giản: “Về việc ăn thịt cúng, chúng ta biết rằng ngẫu tượng chẳng là gì trên thế gian, và cũng chẳng có thần nào ngoài Thiên Chúa độc nhất” (1 Cr 8,4). Nhưng sau đó ngài bàn rất kỹ về một vấn đề khác, đó là vì đức ái, đừng làm cớ cho người khác vấp ngã. Đây chính là điểm ngài nhắm tới. Ngài muốn nói rằng, vì chúng ta không tin các tượng thần, chúng ta có ăn thịt cúng cũng chẳng sao, nhưng “hãy coi chừng kẻo sự tự do của anh em nên dịp cho những người yếu đuối sa ngã. Thật vậy, nếu có ai thấy bạn là người hiểu biết mà lại ngồi dự tiệc trong đền miếu, thì lương tâm của người yếu đuối ấy lại chẳng dựa vào đó mà ăn của cúng sao?”. Ngài kết luận: “Thế là sự hiểu biết của bạn làm hư mất một người yếu đuối, một người anh em mà Đức Kitô đã chịu chết để cứu chuộc!”. Rồi ngài nói như một lời thề: “Vì thế, nếu của ăn mà làm cớ cho anh em tôi sa ngã, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để khỏi làm cớ cho anh em tôi sa ngã” (8,9-11.13).
Ngài bảo “tất cả những gì bán ngoài chợ, anh em cứ việc ăn” (1 Cr 10,25), bởi vì không ai xác nhận đấy là của cúng, thì “trái đất và muôn vật muôn loài trên trái đất đều là của Chúa” (c. 26). Trường hợp sau cũng vậy: “Nếu có người ngoại nào mời anh em và anh em muốn đi, thì cứ ăn tất cả những gì người ta dọn cho anh em” (10,27), bởi vì không xác định các món ấy là đồ cúng. “Nhưng nếu có người bảo: “Đây là của cúng”, thì anh em đừng ăn, vì người ấy – kẻ đã báo trước cho anh em – và vì vấn đề lương tâm”. Thánh Phaolô xác định: “Tôi không có ý nói lương tâm của anh em, nhưng lương tâm của người khác” (c. 29). Tuy thế, ngài cũng nói ở chỗ khác khá mạnh để các tín hữu đừng lấy nê tự do mà cư xử phóng túng: “Thịt cúng là gì? Ngẫu tượng là gì? Tuy nhiên, đồ cúng là cúng cho ma quỷ, chứ không phải cho Thiên Chúa; mà tôi không muốn anh em hiệp thông với ma quỷ” (10,19-20).
Như thế, đứng trước đồ cúng mà biết rõ là đồ cúng, người tín hữu bị đặt trước hai đòi hỏi: 1) về đức tin: không ăn, để khỏi ở trong tình trạng hàm hồ hiệp thông với ma quỷ; 2) về đức ái: không ăn, để khỏi trở thành cớ cho anh chị em mình vấp ngã.
Còn nếu không có nguy cơ rơi vào sai lạc về đức tin hoặc làm cho anh chị em mình hoang mang trong đức tin, việc tham dự một bữa ăn với anh chị em khác tôn giáo có thể trở thành cơ hội giúp hiểu biết nhau và trân trọng nhau hơn.
Cầu chúc chị luôn bình an trong Chúa Kitô Phục Sinh.
Thân mến.
Lm Phan Long, ofm (nguồn kinhthanhvn.org)