“1. Cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu, đồ vật mà mình có được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc.
2. Khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc.
3. Được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình.
4. Được nghỉ việc trong thời gian Tòa án triệu tập hoặc lấy lời khai, nếu làm việc trong cơ quan, tổ chức.
5. Được thanh toán các khoản chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật.
6. Yêu cầu Tòa án đã triệu tập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng; khiếu nại hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng.
7. Bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật do khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác.
8. Phải có mặt tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp; trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử, giải quyết thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.
9. Phải cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên”.
Mặc dù, pháp luật tố tụng dân sự có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng, tuy nhiên thực tiễn áp dụng còn bộc lộ những bất cập cần được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể:
Thứ nhất, theo khoản 2 Điều 489 BLTTDS năm 2015 thì người nào có hành vi “từ chối khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật khi làm chứng” thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 78 BLTTDS năm 2015 quy định người làm chứng được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình. Như vậy, pháp luật cho phép người làm chứng từ chối khai báo khi lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình. Nhưng khoản 2 Điều 489 BLTTDS năm 2015 không loại trừ trường hợp này dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất. Do đó, cần loại trừ trường hợp người làm chứng được quyền từ chối khai báo được quy định tại khoản 2 Điều 489 BLTTDS năm 2015.
Thứ hai, khoản 6 Điều 78 BLTTDS năm 2015 quy định người làm chứng có quyền yêu cầu Tòa án đã triệu tập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng; khiếu nại hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng. Như vậy, pháp luật ghi nhận việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của người làm chứng khi tham gia tố tụng là rất cần thiết, đảm bảo cho người làm chứng khai báo khách quan, trung thực những tình tiết của vụ án. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần xem xét đến việc bảo vệ quyền lợi người thân thích của người làm chứng. Thực tiễn cho thấy, đối với những vụ án có tranh chấp phức tạp, tài sản tranh chấp lớn thì lời khai của người làm chứng ảnh hưởng rất lớn đến nội dung, quyết định giải quyết vụ án. Do đó, có thể xảy ra việc một trong các bên đương sự liên quan đe dọa người thân thích của người làm chứng để buộc họ không trình bày lời khai hay khai không đúng sự thật của vụ án. Nhưng pháp luật hiện nay chưa quy định về quyền yêu cầu bảo vệ người thân thích của người làm chứng. Do đó, theo chúng tôi BLTTDS năm 2015 cần được bổ sung quy định về quyền yêu cầu được bảo vệ người thân thích của người làm chứng.
Thứ ba, khoản 8 Điều 78 BLTTDS năm 2015 quy định người làm chứng “phải có mặt tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp; trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử, giải quyết thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên”. Như vậy, trong một số trường hợp người làm chứng được triệu tập tham gia phiên tòa, phiên họp mà người làm chứng không đến cũng không có lý do chính đáng thì có thể bị dẫn giải. Đây được xem là biện pháp tư pháp nghiêm khắc được áp dụng khi người làm chứng từ chối hoặc không thực hiện theo yêu cầu của Tòa án. Mặt khác, theo Điều 490 BLTTDS năm 2015 về xử lý hành vi cố ý không có mặt theo triệu tập của Tòa án thì:
“1. Người làm chứng, người phiên dịch, người giám định đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và nếu sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc thu thập, xác minh chứng cứ hoặc giải quyết vụ việc thì bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
2. Trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án có quyền ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên. Quyết định dẫn giải người làm chứng phải ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ, tên, chức vụ người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng phải có mặt.
3. Cơ quan công an có nhiệm vụ thi hành quyết định của Tòa án dẫn giải người làm chứng. Người thi hành quyết định dẫn giải người làm chứng phải đọc, giải thích quyết định dẫn giải cho người bị dẫn giải biết và lập biên bản về việc dẫn giải”.
Như vậy, pháp luật quy định về trình tự, thủ tục dẫn giải đối với người làm chứng, tuy nhiên chưa rõ ràng, cụ thể về thời gian thực hiện dẫn giải và có được dẫn giải người làm chứng vào ban đêm hay không. Hơn nữa, việc dẫn giải không được áp dụng đối với người chưa thành niên, nhưng đối với trường hợp người già yếu, người bị bệnh nặng nếu bị dẫn giải theo yêu cầu của Tòa án có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Hiện nay, pháp luật chưa quy định về trường hợp này. Đối chiếu với khoản 6 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì “Không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm; không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế”. Như vậy, pháp luật tố tụng hình sự quy định không được dẫn giải vào ban đêm, người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế. Nhằm đảm bảo sự thống nhất về tính khả thi trong việc áp dụng pháp luật tố tụng, pháp luật tố tụng dân sự cần bổ sung quy định: “Không được bắt đầu việc dẫn giải người làm chứng vào ban đêm; không được dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế”./.