Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo thành lập Đội Vệ binh Quốc gia mới, đồng thời tuyên bố một trong những chức năng chủ yếu của lực lượng này là kiểm soát súng đạn trên khắp đất nước.
9% người Nga sở hữu súng
“Chúng ta thành lập Vệ binh Quốc gia để hạn chế tình trạng lưu thông súng trong nước” – ông chủ Điện Kremlin xác nhận với dân chúng Nga trong buổi đối thoại trực tiếp thường niên năm 2016.
Thế nhưng, cho đến nay, người ta vẫn chưa rõ đối tượng mà Tổng thống Putin muốn đề cập là số súng được người dân Nga bình thường sở hữu hợp pháp hay là những dòng vũ khí trái phép trôi nổi khắp nước này.
Theo trang tin Dninews, chuyện cá nhân ở Nga sở hữu vũ khí không có truyền thống như ở Mỹ – nơi nhiều người xem sở hữu súng là quyền quan trọng nhất bảo đảm tự do của họ và số lượng súng nằm trong tay người dân còn nhiều hơn cả dân số, với trên 357 triệu khẩu súng so với 324 triệu người (con số thống kê tính đến ngày 13-8).
Gần đây, tháng 11-2014, luật pháp Nga mới cho phép người dân sở hữu súng vì mục đích tự vệ. Trước đó, họ chỉ được phép sở hữu súng để săn bắn hoặc chơi môn thể thao bắn súng.
Tuy nhiên, các con số thống kê cho thấy nhiều người Nga sở hữu súng đã qua mặt chính quyền và không đăng ký sở hữu. Theo các cuộc thăm dò quốc tế gần đây, có 9% người Nga sở hữu súng nhưng số súng được đăng ký hợp pháp chỉ chiếm khoảng 60% trong số ước tính 13 triệu khẩu nằm trong tay người dân.
“Chúng tôi nhận thấy nhà chức trách Nga siết chặt các quy định về sở hữu súng đối với công dân cũng như công ty bảo vệ tư nhân. Thế nhưng, mặc dù nhà chức trách nỗ lực đốc thúc việc đăng ký súng, vẫn có nhiều khẩu bất hợp pháp lưu hành ở Nga” – ông Mark Galeotti, “chuyên gia” người Mỹ về các cơ quan an ninh và vấn đề tội phạm Nga, lo ngại.
Giới chuyên môn thừa nhận những vũ khí bất hợp pháp được sử dụng trong hầu hết các vụ tội phạm nghiêm trọng nhất ở Nga thường là các loại súng có xuất xứ từ quân đội mà thường dân không được phép tiếp cận chứ không phải là những khẩu súng không được đăng ký.
“Nói cách khác, chúng bị đánh cắp từ các kho vũ khí chính thức thông qua hành vi tham nhũng” – ông Galeotti nhận định.
Thị trường đen
Thực tế, không cần phải là nhân viên cảnh sát hay sĩ quan quân đội tham nhũng mới kiếm được vũ khí ở Nga. Công dân nước này có nhiều sự lựa chọn khác, từ các chợ đen mọc lên nhan nhản khắp Moscow cho đến những nguồn hiện đại và “đen” hơn. Đó là những thị trường được đặt ở các nơi kín đáo trên internet, không có trong các dịch vụ tìm kiếm thông thường như Google hoặc Yandex.
Một nguồn tin giấu tên đã hướng dẫn phóng viên báo The Moscow Times truy cập vào một thị trường đen online như vậy. Quá trình tiếp cận này đòi hỏi phải “đi” sâu vào trang web đen và nhập một chuỗi ký tự, con số phức tạp. Kết quả, nhà báo đã có thể tìm thấy mọi thứ trong thế giới tội phạm, từ ma túy, súng đạn đến việc chế tạo bom. Mọi giao dịch đều được thực hiện ẩn danh một cách dễ dàng thông qua loại tiền điện tử Bitcoin.
Các thị trường đen cung cấp rất nhiều thông tin cho những kẻ có nguy cơ trở thành tội phạm súng. Chẳng hạn, một diễn đàn giải thích với những người lần đầu tiên tìm mua súng rằng 1 khẩu ở miền Trung nước Nga có giá đến 3.000 USD, trong khi tại Crimea chỉ bán với giá gần 2.000 USD.
Theo dữ liệu thống kê của Bộ Nội vụ Nga, hơn bao giờ hết, người dân nước này đang nỗ lực sắm cho bằng được súng đạn qua con đường phi pháp. Bộ Nội vụ Nga đã ghi nhận 27.000 vụ vi phạm trong năm 2015.
Theo báo điện tử Gazeta.ru, xu hướng trên trùng hợp với tỉ lệ tội phạm gia tăng ở mức 8,6%. Ngoài ra, một số súng bất hợp pháp lưu hành ở Nga là loại vũ khí cũ kỹ, số khác là súng săn. Súng ống trên thị trường đen ở Nga tăng nhanh trong khi luật sở hữu súng thì hạn chế số lượng và chủng loại có thể mua hợp pháp.
Trong khi Mỹ có Hiệp hội Súng quốc gia (NRA) với hơn 5 triệu thành viên, Nga cũng có tổ chức Quyền Mang súng – dưới sự điều hành của nữ chủ tịch Maria Butina từ Siberia – với 10.000 thành viên. Chính phủ Nga cho rằng giảm bớt số người sở hữu súng là cách để gia tăng sự an toàn của công chúng, còn phong trào của bà Butina có lập trường trái ngược hẳn. Theo đó, khi tội ác tăng lên, người dân bình thường cần phải được trang bị vũ khí.
“Sự thật quả là đơn giản. Nhiều súng hợp pháp hơn đồng nghĩa với ít tội ác hơn. Nếu quốc gia cấm súng, khi đó chỉ bọn tội phạm mới có thể tiếp cận được với vũ khí” – bà Butina lý giải.
Hiện nay, nhiều loại vũ khí, như súng ngắn và súng lục ổ quay, vẫn bị cấm bán cho dân chúng Nga. Trong khi đó, thủ tục để có thể sở hữu hợp pháp 1 khẩu súng ở Nga rất phức tạp. Bất kỳ người Nga nào muốn sở hữu súng hợp pháp thì chỉ được cho phép giới hạn 1 khẩu súng săn mà thôi. Giấy phép đó chỉ được cấp cho công dân Nga sau khi đương sự trải qua đợt kiểm tra nhân thân, điều tra tiền án tiền sự, sức khỏe tâm thần và cả nhà ở.
Kỳ tới: Tội phạm súng tăng mạnh