Cho trẻ uống thuốc là điều không hề dễ dàng đối với nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt là khi trẻ bị ốm sốt, khó chịu trong người. Vì vậy, nhiều phụ huynh đã nghĩ ra cách là pha thuốc với sữa cho trẻ dễ uống. Vậy Hapacol 80 có pha với sữa được không sẽ được Nhà thuốc Long Châu giải đáp trong bài viết dưới đây.
Trẻ sốt bao nhiêu độ thì phải dùng thuốc?
Nhiều bậc phụ huynh vì quá lo lắng trẻ sẽ bị sốt khi thấy nhiệt độ cơ thể của con ở mức 37,5 độ C nên lập tức cho bé uống thuốc hạ sốt. Trên thực tế, thân nhiệt của trẻ, bao gồm cả trẻ sơ sinh ở mức nhiệt độ này chưa thật sự coi là bị sốt. Thông thường, nhiệt độ cơ thể của trẻ có thể dao động trong khoảng từ 37 – 38 độ C. Vì vậy, khi trẻ bị sốt từ 38 độ C mời thật sự cần đến phương pháp điều trị y khoa.
Ngoài ra, nhiệt độ cơ thể người còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác như thời tiết, vận động, quần áo và cả vị trí đặt nhiệt kế. Cụ thể, trẻ nhỏ thật sự bị sốt khi:
- Nhiệt độ ở miệng trên 37,5 độ C.
- Nhiệt độ ở nách trên 37,2 độ C.
- Nhiệt độ ở tai trên 38 độ C.
- Nhiệt độ ở hậu môn trên 38 độ C.
Theo các chuyên gia, tình trạng sốt ở trẻ được phân thành 3 nhóm:
- Sốt nhẹ (nhiệt độ < 38,5 độ C): Trường hợp trẻ có thân nhiệt dưới 38,5 độ C thì được coi là sốt nhẹ và chưa cần dùng đến thuốc hạ sốt. Thay vào đó, phụ huynh hãy chườm ấm vùng trán, lau ấm vùng nách và vùng bẹn, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát hoặc nới lỏng quần áo và tăng điện giải.
- Sốt vừa (38,5 độ C ≤ nhiệt độ ≤ 39 độ C): Nhiệt độ từ trên 38,5 độ C thì cho trẻ dùng thuốc hạ sốt và kết hợp với các biện pháp hạ sốt vật lý đã nêu ở trên. Nếu cơn sốt vẫn tiếp tục kéo dài, phụ huynh có thể đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tìm nguyên nhân và lên phác đồ điều trị phụ hợp cho trẻ.
- Sốt cao (nhiệt độ > 39 độ C): Trong trường hợp trẻ sốt trên 39 độ C có thể dẫn đến hiện tượng co giật. Khi đó, ngoài việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt, phụ huynh cũng cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Trong quá trình di chuyển đến cơ sở y tế, mẹ hãy dùng khăn mỏng chắn ngang cửa miệng của trẻ để tránh tình trạng trẻ cắn vào lưỡi khi lên cơn co giật.
Hapacol 80 có pha với sữa được không?
Thuốc Hapacol 80 có vị đắng nên khiến nhiều trẻ nhỏ sợ hãi, không chịu hợp tác khi phải uống thuốc. Hầu hết các bé đều không dám uống hoặc nhổ ra ngay sau khi uống. Và để đối phó với tình trạng này, rất nhiều bậc phụ huynh đã áp dụng phương pháp là pha thuốc cùng với sữa để cho trẻ uống. Nhiều mẹ đã áp dụng biện pháp này, thấy trẻ chịu uống thuốc và vẫn khỏi ốm nên đã mách cho nhau cùng sử dụng biện pháp này khi cho con uống thuốc. Vậy thuốc Hapacol 80 có pha với sữa được không?
Theo chuyên gia, mẹ không nên pha thuốc hạ sốt nói chung và thuốc Hapacol nói riêng cùng với sữa. Bởi điều này có thể khiến cho các hoạt chất của thuốc phản ứng lại với các thành phần có sữa, làm giảm đi tác dụng điều trị và có thể gây nguy hại sức khỏe, cụ thể:
- Làm giảm khả năng điều trị của thuốc: Như đã biết, trong sữa có các chất hữu cơ, nhiều vi khoáng đa lượng cùng với hàm lượng lipid và độ kiềm cao, sữa có thể sẽ làm chậm khả năng hấp thu của thuốc. Một vài nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, hàm lượng canxi có trong sữa mẹ và sữa công thức có thể sẽ gây ra tương tác bất lợi với thuốc, tạo thành phức hợp khó tan và khiến cơ thể trẻ không thể hấp thu được.
- Làm biến dạng các đặc tính của thuốc: Một điều đáng lo ngại nhất khi pha thuốc hạ sốt với sữa là sự biến dạng đặc tính và gây ra các tác hại nguy hiểm cho trẻ. Cụ thể, khi xảy ra phản ứng hóa học giữa các chất có trong sữa và thuốc, ngoài tình trạng thuốc khó tan thì trẻ có thể bị sốc thuốc hoặc ngộ độc, thậm chí ảnh hưởng tính mạng nếu không được kịp thời xử lý.
Như vậy, có nên pha thuốc hạ sốt với sữa không? Câu trả lời là không. Nếu trẻ không chịu hợp tác, mẹ hãy đổi thuốc pha sang dạng siro sẽ giúp bé dễ uống hơn.
>> Tham khảo thêm:
- Hapacol dạng viên nén (Hapacol 650 mg và Hapacol Extra, Hapacol CS Day)
- Hapacol dạng viên sủi (Hapacol 150 mg và Hapacol sủi).
- Liều lượng Paracetamol 650mg: Hapacol 650 – Hapacol 650 Extra
Tóm lại, thuốc nay có tác dụng giảm đau và hạ sốt cho trẻ dưới 1 tuổi. Vậy Hapacol 80 có pha với sữa được không? Câu trả lời là không. Bởi điều này có thể làm giảm tác dụng của thuốc và gây nguy hiểm cho trẻ. Hy vọng qua bài viết trên bạn đọc đã bổ sung cho mình những thông tin hữu ích về thuốc trên và biết được khi nào trẻ có thể uống được thuốc hạ sốt.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Vinmec