Hiện nay, vẫn chưa có bất kỳ phương pháp hay loại thuốc nào có thể điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết. Các phương pháp điều trị hiện tại hầu hết chỉ tập trung vào việc giải quyết các triệu chứng của bệnh, hỗ trợ giảm đau và hạ sốt. Vậy, sốt xuất huyết uống thuốc gì và không được uống thuốc gì để hạ sốt?
Nguyên tắc điều trị bệnh sốt xuất huyết
Khi điều trị bệnh sốt xuất huyết, cần phải nắm rõ tình trạng bệnh lý, giai đoạn diễn biến của bệnh cũng như mức độ biểu hiện của các triệu chứng. Bởi sốt xuất huyết diễn tiến và phát triển theo từng giai đoạn với những dấu hiệu khác nhau. Vì thế, cần phải xác định giai đoạn mắc bệnh sốt xuất huyết của bệnh nhân, từ đó đưa ra được loại thuốc hỗ trợ điều trị phù hợp nhất.
Sốt xuất huyết được chia thành 3 giai đoạn với các triệu chứng cùng các mức độ nguy hiểm khác nhau:
Giai đoạn sốt: Thường kéo dài trong khoảng 3 đến 7 ngày, tính từ ngày đầu tiên sau khi thời kỳ ủ bệnh kết thúc. Trong giai đoạn này, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như:
- Sốt cao từ 39 đến 40 độ C;
- Mệt mỏi, uể oải, đau nhức xương khớp, đau nhức các cơ, đau nhức vùng đầu và hốc mắt;
- Xuất huyết dưới da, phát ban, mẩn đỏ;
- Buồn nôn, nôn mửa nhiều, chán ăn;
- Đường hô hấp trên bị viêm nhiễm;…
Giai đoạn nghiêm trọng: Đây là giai đoạn diễn biến phức tạp nhất của bệnh, lúc này bệnh nhân đã hạ sốt hoặc đã hết sốt hẳn, thay vào đó là triệu chứng xuất huyết. Dưới da người bệnh xuất hiện nhiều chấm xuất huyết nổi thành mảng ở vị trí đùi, bụng, cánh tay, lòng bàn tay, bàn chân,… Các triệu chứng xuất huyết khác người bệnh sẽ phải đối mặt trong giai đoạn này bao gồm:
- Nôn ra máu, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh, tiểu tiện ra máu, phân lẫn máu hoặc hắc ín;
- Xuất huyết nội tạng, xuất huyết não,
- Hạ đường huyết;
- Cơ thể vật vã, mệt mỏi, lừ đừ, đau đầu dữ dội, nôn mửa nhiều và liên tục, đau bụng;…
Vì thế, đây là giai đoạn quan trọng nhất của bệnh, cần được phát hiện và cấp cứu kịp thời để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân.
Giai đoạn phục hồi: Đây là giai đoạn sức khỏe bệnh nhân bình phục, các triệu chứng xuất huyết thuyên giảm và tình trạng sốt sẽ hết hẳn sau 48 giờ, bắt đầu có cảm giác thèm ăn, cơ thể lợi tiểu hơn và xét nghiệm chỉ số tiểu cầu trong máu bắt đầu tăng trở lại. Tuy nhiên, vẫn cần cẩn thận chăm sóc người bệnh trong giai đoạn này, có thể kịp thời ứng phó với các trường hợp xấu có thể sẽ phát sinh.
Người bị sốt xuất huyết uống thuốc gì để hạ sốt?
Sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu không có triệu chứng đặc trưng điển hình, thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như Covid, cảm cúm, sốt siêu vi hay sốt rét. Vì thế, có rất nhiều trường hợp người bệnh chủ quan, tự chữa bệnh tại nhà theo các phương pháp hoặc sử dụng các loại thuốc không phù hợp, khiến bệnh tình càng trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hơn. Vậy bị sốt xuất huyết uống thuốc gì để điều trị nhanh khỏi và không gây ra các biến chứng nghiêm trọng?
1. Paracetamol (Acetaminophen)
Khi bị sốt xuất huyết, các bác sĩ thường hướng dẫn sử dụng thuốc Paracetamol (hay còn được biết đến là Acetaminophen) ở dạng đơn chất, nhằm hỗ trợ giảm sốt và giảm đau vô cùng hiệu quả cho người bệnh. Đây là loại thuốc không kê đơn, có thể mua ở hầu hết các nhà thuốc và quầy thuốc Tây trên toàn quốc. Thuốc Paracetamol có thể kiểm soát tốt các triệu chứng sốt do sốt xuất huyết gây ra nếu được sử dụng đúng lúc và đúng liều lượng đối với các trường hợp bệnh có triệu chứng nhẹ.
Theo khuyến cáo của chuyên gia, liều dùng thuốc Paracetamol trong việc điều trị sốt xuất huyết phù hợp cho cả trẻ em và người lớn như sau:
- Uống mỗi ngày từ 2 đến 3 lần;
- Mỗi lần uống 15mg/kg thể trọng, chẳng hạn người nặng 50kg có thể uống 750mg mỗi lần) nhưng không nên uống qua 15g/ngày đối với người lớn vì Paracetamol có thể làm suy giảm chức năng gan và thận, nếu uống quá liều, nguy cơ tử vong rất cao.
- Để đảm bảo thuốc phát huy tối đa công dụng và hạn chế các phản ứng phụ bất lợi xảy ra xuống mức tối thiểu, mỗi lần uống nên cách nhau từ 4 đến 6 tiếng;
- Nên duy trì uống thuốc từ 2 đến 5 ngày;
- Khi đang sử dụng thuốc Paracetamol không được sử dụng rượu, bia và các chất kích thích, vì điều này ảnh hưởng xấu đến gan, khiến gan bị suy giảm chức năng, rối loạn chức năng đông máu, khiến cho tình trạng xuất huyết trở nên nghiêm trọng hơn.
Đối với trẻ em, không nên cho con uống Paracetamol liên tục hoặc đặt thuốc qua đường hậu môn cho trẻ để đẩy nhanh quá trình sốt. Đây là hành động hoàn toàn sai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí gây ngộ độc thuốc, nguy cơ tử vong cao.
Lưu ý, sau một khoảng thời gian tự theo dõi quá trình dùng thuốc Paracetamol mà các triệu chứng sốt không thuyên giảm, thậm chí sốt cao hơn hoặc xuất hiện các dấu hiệu bất thường, cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế uy tín để tiến hành các xét nghiệm cần thiết và điều trị kịp thời.
2. Bù nước và điện giải
Ngoài thuốc Paracetamol, có thể điều trị các triệu chứng cho bệnh nhân sốt xuất huyết bằng cách bù nước và chất điện giải. Vì khi mắc bệnh, người bệnh sẽ rơi vào trạng thái hụt dịch, nước bên trong cơ thể liên tục thoát ra khỏi cơ thể qua tuyến mồ hôi, đường tiểu và nôn. Một số cách có thể bù nước và điện giải có thể áp dụng cho bệnh nhân sốt xuất huyết gồm có:
- Uống nước lọc đun sôi để nguội: Nên uống nhiều nước lọc trong một ngày, nhiều hơn so với bình thường vì giai đoạn này người bệnh bị hụt dịch nghiêm trọng. Tuy nhiên, cần phải chia đều lượng nước thành nhiều lần uống trong ngày để tránh khiến cho hệ tiêu hóa làm việc quá sức, dẫn đến tình trạng xuất huyết hệ tiêu hóa, vì trong giai đoạn mắc bệnh, các cơ quan trở nên nhạy cảm và dễ tổn thương hơn do số lượng tiểu cầu trong máu bị giảm mạnh, khả năng hình thành cục máu đông ở thành mạch không được đảm bảo.
- Oresol (ORS): Có thể hòa tan 1 gói ORS với 1 lít nước sôi để nguội để cho người bệnh uống. Tuyệt đối không nên chia nhỏ để pha nhiều lần hoặc pha ít nước, làm dung dịch quá đậm đặc, điều này sẽ làm giảm hiệu quả của Oresol, tăng nguy cơ ngộ độc. Ngoài ra, không pha ORS với nước khoáng, bởi trong nước khoáng chứa các ion điện giải, có thể làm sau tỷ lệ các chất điện giải trong dung dịch, làm giảm hiệu quả sử dụng của ORS. (1)
- Uống nước ép trái cây: Đây là nguồn cung cấp chất điện giải tốt cho cơ thể. Một số loại trái cây có nhiều kali hoặc magie như như chuối, cam, kiwi và bơ. Loại trái cây chứa nhiều muối hoặc natri là cà chua. Và còn nhiều loại trái cây chứa nhiều chất điện giải tốt hơn cho người bị sốt xuất huyết thay vì chỉ uống nước lọc.
- Nước gạo hoặc nước lúa mạch: Có thể cho người bệnh uống nước vo gạo hoặc nước lúa mạch để điều trị các triệu chứng sốt xuất huyết trong 3 ngày đầu tiên của cơn sốt.
- Uống sữa: WHO cũng khuyến cáo rằng có thể uống sữa để làm giảm các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết thay vì uống nước lọc thông thường. Sữa chứa chất điện giải Natri khoảng 42 mg/100 gam, Kali khoảng 156 mg/100 gam, ngoài ra còn chứa các chất điện giải khác như Canxi, Magie, phốt pho, kẽm cũng mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
- Uống nước dừa có thể giúp bệnh nhân sốt xuất huyết tránh mất nước. Nước dừa có chứa nhiều chất dinh dưỡng có thể nuôi dưỡng cơ thể của bạn và giữ cho cơ thể ngậm nước. Có thể uống tối đa hai ly nước dừa trong một ngày và duy trì uống thường xuyên.
Sốt xuất huyết không được uống thuốc gì?
1. Sốt xuất huyết không được uống Aspirin
Tương tự như Paracetamol, Aspirin (2) cũng có thể sử dụng để giảm đau và hạ sốt nhưng không được khuyến cáo dùng trong việc hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết. Bởi Aspirin có chứa các hoạt chất ngăn cản quá trình tập kết tiểu cầu, chống đông máu, khiến tình trạng xuất huyết trở nên nghiêm trọng hơn như xuất huyết nội tạng, xuất huyết tiêu hóa và dẫn đến tử vong. Ngoài ra, Aspirin còn tiềm ẩn rất nhiều tác dụng phụ khác, khiến người bệnh khó chịu như đau dạ dày, đau tức thượng vị, buồn nôn, viêm loét dạ dày,…
Các đối tượng là trẻ em dùng Aspirin có thể đối mặt với các tác dụng phụ nặng nề hơn, điển hình là hội chứng Reye nguy hiểm, có thể dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao.
2. Thuốc kháng viêm không chứa steroid
Thuốc kháng viêm không chứa Steroid hay còn được biết đến là NSAIDs (3) có chứa các hoạt chất có cơ thể tương tự Aspirin, ức chế quá trình tập kết tiểu cầu của cơ thể, chống đông máu, làm cho tình trạng xuất huyết của bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn, máu chảy liên tục không cầm được.
Một số loại thuốc kháng viêm không Steroid phổ biến trên thị trường, thường dùng để giảm đau và hạ sốt như: Ibuprofen, Diclofenac, Mefenamic Acid, Naproxen, Indomethacin, Etoricoxib,… Người bệnh sốt xuất huyết cần tham khảo ý kiến và nhận được sự đồng ý, hướng dẫn của bác sĩ trước khi sử dụng một loại thuốc nào để điều trị sốt xuất huyết hiệu quả hơn, tránh được các tình trạng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.
3. Thuốc kháng sinh
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, trong khi kháng sinh là loại thuốc tác động đến vi khuẩn. Đối với các đối tượng có cơ địa nhạy cảm, dễ bị dị ứng, thuốc kháng sinh có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, khiến người bệnh mắc nhiều bệnh cùng lúc, vừa mắc sốt xuất huyết, vừa gặp các biến chứng dị ứng kháng sinh. Vì thế, không nên lãng phí, sử thuốc kháng sinh để hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết.
Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, lành mạnh: cho người bệnh ăn những thức ăn mềm, dạng lỏng, dễ ăn, dễ tiêu hóa như bột, sữa, cháo, súp, canh. Không ăn thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ và thức ăn nhanh.
- Vệ sinh mũi, mắt, miệng hàng ngày cho bệnh nhân bằng dung dịch nước muối sinh lỹ 0.9%.
- Cho bệnh nhân mặc đồ rộng rãi, mát mẻ với chất liệu thấm hút mồ hôi tốt như cotton để hỗ trợ giảm thân nhiệt nhanh chóng.
- Hạn chế tắm cho cho người bệnh khi không cần thiết, nếu tắm phải tắm bằng nước ấm, tốt nhất chỉ nên lau nhẹ cơ thể người bệnh bằng khăn mềm ẩm.
- Theo dõi sát sao tình trạng diễn biến bệnh lý của bệnh nhân, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, để kịp thời đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để tiến hành điều trị kịp thời.
- Duy trì môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát.
- Bổ sung các thực phẩm chứa rau lá xanh để hỗ trợ phục hồi. Ngoài ra, sau khi hồi phục, cần phải xây dựng chế độ ăn giàu protein bao gồm trứng, thịt gà, đậu nành và các loại đậu để tăng cường hệ thống miễn dịch.
Sốt xuất huyết uống thuốc gì? Hiện nay, vẫn chưa có bất kỳ phương pháp hay loại thuốc đặc hiệu điều trị bệnh sốt xuất huyết. Bệnh nhân có thể sử dụng Paracetamol hỗ trợ điều trị triệu chứng của sốt xuất huyết và bổ sung nước cùng chất điện giải đúng cách theo khuyến cáo của bác sĩ để giúp người bệnh hạ sốt và nhanh khỏi bệnh hơn.