Người bệnh sốt xuất huyết nên tắm, gội như thế nào cho đúng cách? Hà Nội thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết
Trái cây không thể thiếu cho bệnh nhân sốt xuất huyết
ThS.BS Phạm Thị Hạnh Phúc – Trưởng Khoa khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Hải Phòng – chia sẻ: Người bệnh sốt xuất huyết có triệu chứng điển hình là sốt cao kèm mất nước nên việc bù nước là quan trọng nhất. Đặc biệt nên bổ sung thêm các loại nước trái cây, nước ép như nước cam, canh, bưởi, dừa, vì các loại quả này có chứa nhiều vitamin C và khoáng chất, tăng cường sức đề kháng, giúp cho thành mạch máu khỏe hơn.
Người bị sốt xuất huyết uống nước cam như thế nào mới có tác dụng?
Riêng đối với cam, thành phần dinh dưỡng trong một cốc nước cam tươi bao gồm chất đạm 2 gam; Carbohydrate 26 gram; đường 21 gram… Ngoài ra, cam là loại trái cây chứa nhiều vitamin C, vitamin A, canxi, sắt, Folate…
Đáng lưu ý, vitamin C có trong nước cam là một loại vitamin tan trong nước, có tác dụng gấp đôi là chất chống oxy hóa mạnh và đóng vai trò trung tâm trong chức năng miễn dịch. Ngoài ra, vitamin C giúp thúc đẩy quá trình hình thành xương, chữa lành vết thương và sức khỏe răng lợi.
Còn Folate trong nước cam có vai trò trong quá trình tổng hợp DNA và hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi. Chưa kể, nước cam là một nguồn tuyệt vời cung cấp khoáng chất kali, giúp điều chỉnh huyết áp, ngăn ngừa mất xương, bảo vệ chống lại bệnh tim và đột quỵ… Vì vậy, chỉ cần bổ sung một cốc nước cam vào thực đơn hàng ngày, hệ miễn dịch của người bệnh sẽ được tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, để hỗ trợ quá trình phục hồi, thời điểm bổ sung nước cam nói riêng và các loại trái cây nói chung tốt nhất giữa 2 bữa ăn, hoặc 30 phút trước bữa ăn. Do cam cũng chứa nhiều đường nên khi uống cần pha loãng và không dùng vào thời điểm ban đêm.
Uống nước cam nóng hay lạnh thì tốt?
Theo nghiên cứu của Trường đại học Seville, cơ thể con người sẽ hấp thụ chất chống oxy hóa từ cam hiệu quả nhất khi uống nước ép lạnh thay vì không lạnh hoặc tiệt trùng.
Uống nước cam ép từ trái cam tươi có hàm lượng chất chống oxy hóa cao nhất. Tuy nhiên, để hấp thu tốt nên chia nhỏ liều lượng uống để ruột hấp thụ dưỡng chất tốt nhất.
Đặc biệt, dưỡng chất carotenoids trong nước cam uống lạnh sẽ ngăn ngừa ung thư, kích thích hệ tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện sức khỏe tim mạch. Ngược lại, khi đun nóng, dưỡng chất này và các loại vitamin sẽ bị giảm đáng kể, thậm chí mất hết, thoái hóa gây thay đổi màu sắc nước cam. Bởi vậy, chỉ nên uống nước cam thường hoặc làm lạnh thay vì tăng nhiệt độ cho loại nước ép này.
Ngoài nước cam, thì đu đủ hay nước dừa cũng được khuyến cáo bổ sung cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Sở dĩ trong nhiều nghiên cứu cho thấy, hạt đu đủ độc hại đối với muỗi Aedes – muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Các nghiên cứu khác kết luận, đu đủ giúp cơ thể sản sinh tiểu cầu nhanh hơn ở bệnh nhân sốt xuất huyết.
Nước dừa là một trong những thực phẩm tốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết vì là nguồn nước tự nhiên, khoáng chất thiết yếu và chất điện giải. Uống nước dừa có thể bổ sung lượng chất lỏng trong cơ thể.
Ngoài ra, khi bệnh nhân sốt làm tăng nhu cầu sử dụng nước hàng ngày nên việc bổ sung nước lọc uống rất quan trọng. Virus và vi khuẩn phát triển mạnh hơn ở những tế bào thiếu nước do đó khi mắc bệnh sốt xuất huyết nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước hàng ngày.
Các bác sĩ cũng lưu ý trong truyền dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết: Truyền dịch sớm cho bệnh nhân sốt xuất huyết trong những ngày đầu là không cần thiết nếu bệnh nhân còn ăn uống được thì nên bù dịch bằng đường ăn uống tự nhiên. Chỉ truyền dịch khi bệnh nhân ăn uống quá kém; nôn nhiều gây mất dịch và điện giải; tụt huyết áp; có biểu hiện cô đặc máu (tăng hematocrit)… Lượng dịch truyền không phải như nhau cho tất cả người bệnh, bệnh nhân thiếu bao nhiêu thì cần bù lại bấy nhiêu. Nếu bệnh nhân có sốc, tụt huyết áp cần bù lượng dịch là 15ml/kg/1h, sau đó giảm dần theo phác đồ của Bộ Y tế. Ngoài ra, cần phải kiểm soát các bệnh lý khác của người bệnh như bệnh lý tim mạch, huyết áp, hô hấp… khi truyền dịch.