Nhiều người lần đầu tiên đi máy bay chắc sẽ thắc mắc: Chất lỏng có mang lên máy bay được không? Tại sao chất lỏng bị cấm mang lên máy bay? Phải chăng vì mục đích riêng nào đó hay thế nào? Hãy cùng Airtickets tìm hiểu nhé!
Bất kỳ chất lỏng nào từ bên ngoài sân bay, kể cả nước uống, khi đi qua máy quét nếu bị phát hiện đều phải bỏ ra. Ngay cả mỹ phẩm như sữa tắm, sữa rửa mặt cũng chỉ được mang theo với dung tích tối đa là 100 ml (tương đương 100 gram). Tất cả đều phải đựng trong bình, chai, lọ và được đựng trong gói an ninh kéo kín. Vời trường hợp mang sữa để cho em bé ăn trên máy bay thì phải có em bé đi cùng.
Tuy nhiên, nước uống mua ở trong sảnh chờ thì lại được phép mang lên máy bay, kể cả khi chai nước đó cùng một hãng sản xuất với chai nước quý khách đã để lại ngoài cổng chờ. Dường như có một sự bất công không hề nhẹ ở đây thì phải? Chẳng lẽ đây là cách các sân bay “tận thu” các thượng đế hay sao?
Thực chất, lý do thương mại chỉ là một phần nhỏ thôi. Mục đích chính vẫn là để đảm bảo an toàn cho chuyến bay của hành khách.
Chất lỏng mang lên máy bay đe dọa tới an ninh hàng không
Quá rõ ràng! Đó là vì có những loại chất lỏng có thể phát nổ – như nitroglycerine – và những phần tử khủng bố có thể mang những “trái bom nước” này lên máy bay dưới dạng đồ uống cầm tay.
Vào tháng 9/2006, sau khi cảnh sát Anh đập tan âm mưu của nhóm khủng bố dùng chất nổ dạng lỏng để làm nổ tung 10 máy bay từ Anh sang Hoa Kỳ, lệnh cấm mang bất kì loại chất lỏng nào lên máy bay đã được ban hành.
Vào thời điểm quy định cấm này ra đời, hầu hết máy quét an ninh tại sân bay chỉ có thể nhận ra chất lỏng, nhưng không xác định được chính xác đó là chất lỏng gì.
Chính vì thế, bên cạnh lý do kinh tế, việc bắt buộc mua nước trong sân bay cũng nhằm mục đích kiểm soát sự an toàn của lượng chất lỏng mang lên máy bay.
Ngoài ra, một số hóa chất tưởng như vô hại nhưng khi trộn lẫn lại tạo nên một trái bom có sức sát thương tương đối lớn. Trên thực tế, năm 2005 tại Anh đã từng có trường hợp khủng bố trên xe bus bằng bom tự chế từ acetone và peroxide.
Nhưng tại sao không cấm toàn bộ chất lỏng mang lên máy bay?
Vì theo nhiều nghiên cứu, chúng ta có ngưỡng an toàn cho một số loại chất lỏng để giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất. Ngoài ra, việc cấm toàn bộ chất lỏng sẽ khiến số lần kiểm soát an ninh tăng đột biến, và đương nhiên sẽ gây tiêu tốn nhiều thời gian. Thiệt hại cho các Hãng hàng không cũng theo đó mà tăng theo cấp số nhân.
Hơn nữa, chất lỏng được mang lên máy bay chỉ theo chai có dung tích 100 ml. Theo các chuyên gia tại Cục Kiểm soát an ninh Hoa Kỳ, chất lỏng nhét trong chai nhựa có kích cỡ như này sẽ làm giảm hiệu quả, thậm chí ngăn khả năng bị kích nổ của bom tự chế.
Mang nước uống lên máy bay có được không?
Từ ngày 1/5/2016, Thông tư số 01/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về “Quy định chi tiết về Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam” chính thức có hiệu lực. Theo đó, hành khách có thể thoải mái mang theo nước rửa mặt, nước uống hay các chất lỏng không thuộc diện bị cấm khác lên máy bay khi bay nội địa.
Tuy nhiên, với các chặng bay quốc tế hành khách đi máy bay vẫn phải tuân thủ nguyên tắc mang chất lỏng lên máy bay với tối đa 1 lít chất lỏng nhưng cần phải được chia nhỏ trong 10 chai lọ nhỏ với dung tích chất lỏng mỗi chai không quá 100 ml. Do đó việc mang nước uống lên máy bay ở chặng bay quốc tế vẫn còn bị hạn chế. Hành khách có thể sử dụng nước uống được mua tại khu vực cách ly của sân bay hoặc sử dụng nước trên máy bay cung cấp.
Một số quy định khác
* Mang rượu lên máy bay
Đối với những hành khách lần đầu mang rượu ngoại xách tay về nước, ít nhiều người sẽ có trong mình câu hỏi có được mang rượu lên máy bay không? Câu trả lời là có, tuy nhiên sẽ tùy thuộc vào nồng độ cũng như quy định của từng Hãng hàng không. Tất cả đều phải được đóng gói trong trong túi trong suốt của cửa hàng, có niêm phong và gắn kèm hóa đơn chứng nhận địa điểm mua bán, thì mới được phép mang lên máy bay theo hành lý xách tay. Với dạng chất lỏng có cồn, các chặng quốc nội và quốc tế đều có chung quy định giống nhau, cụ thể:
- Nồng độ >70%: Không được phép mang lên máy bay.
- Nồng độ 24% – 70%: Bạn sẽ chỉ được mang tối đa 5 lít lên máy bay. Lượng chất lỏng đó phải được đặt trong chai/ bao bì của của nhà sản xuất, có tem và chứng minh nguồn gốc đầy đủ.
Bên cạnh đó, các Hãng hàng không cũng khuyến cáo, nếu mang theo nhiều rượu, quý khách nên chia theo nhiều bình, mỗi bình đựng không quá 100 ml. Sau đó đóng gói kỹ lưỡng và cho vào thùng xốp để ký gửi. Tuyệt đối không được mang theo các loại rượu tự nấu, rượu gạo lên máy bay mà không có nhãn mác nhà sản xuất nhé! Các Hãng hàng không sẽ đều từ chối vận chuyển mặt hàng này.
* Mang nước hoa lên máy bay
Để đảm bảo tính chất “hàng hiệu”, rất nhiều khách hàng thường có xu hướng ra nước ngoài và xách tay nước hoa về nước. Tuy nhiên, có được mang nước hoa lên máy bay không thì cùng tìm hiểu qua một số quy định của các hãng hàng không phía dưới đây:
– Đối với chặng quốc nội:
- Vietnam Airlines: không hạn chế vận chuyển nước hoa;
- Vietjet Air, Jetstar Pacific, Bamboo Airways: không được mang quá 2 lít, mỗi bình chiết không quá 500 ml.
– Đối với chặng quốc tế: Các Hãng hàng không đều hạn chế vận chuyển nước hoa, mỗi hành khách không được mang quá 1 lít và chia ra mỗi bình chiết không quá 100 ml.
* Mang mật ong lên máy bay
Dung tích mật ong tối đa bạn có thể mang lên máy bay là 1 lít, tuy nhiên 1 lít đó phải chia ra những bình nhỏ, mỗi bình không quá 100 ml. Đây là quy định chung cho cả chặng trong nước và quốc tế của các Hãng hàng không. Tuy nhiên, nếu mang theo nhiều hơn dung tích cho phép, quý khách hãy cho vào thùng xốp, đóng gói cẩn thận và cho vào hành lý ký gửi.
* Mang nước mắm lên máy bay
Nước mắm là loại chất lỏng có mùi, chính vì vậy, các Hãng hàng không đều từ chối vận chuyển trong hành lý xách tay và quý khách buộc bạn phải ký gửi. Đựng trong chai/lọ không vượt quá 1 lít (không đựng trong chai thủy tinh). Bên cạnh đó, dung tích nước mắm không vượt quá 95% thể tích mỗi chai để tránh trường hợp áp lực gây cho chai bị nứt, vỡ,… Cụ thể, các hãng hàng không quy định như sau:
– Vietnam Airlines: Chặng bay Phú Quốc – TP. Hồ Chí Minh không hỗ trợ vận chuyển nước mắm. Các chặng bay khác, số dung tích nước mắm được phép mang theo sẽ không được vượt quá 3 lít/hành khách.
– Vietjet Air: Chỉ cho phép vận chuyển nước mắm từ các chặng của sân bay Phú Quốc đi với dung tích không vượt quá 4 lít/hành khách.
– Jetstar Pacific: Cho phép vận chuyển nước mắm, mỗi hành khách không được mang quá 5 lít/hành khách.
– Bamboo Airways: Cho phép vận chuyển nước mắm, mỗi hành khách không được mang quá 3 lít/hành khách.
Vận chuyển chất lỏng nói chung và mang chất lỏng lên máy bay nói riêng đã và đang trở thành một nhu cầu không thể thiếu cho mỗi chuyến bay của quý khách. Hãy tìm hiểu kỹ các quy định cũng như điều kiện để chuyến bay của quý khách tránh được những rắc rối không đáng có nhé!
Để có thêm nhiều thông tin thú vị về hàng không, kinh nghiệm khi đi máy bay,… mời quý hành khách thường xuyên theo dõi các thông tin được tổng hợp tại Airtickets.vn!