Việc gặp phải sự cố trong quá trình sử dụng máy scan là điều không thể tránh khỏi. Để giúp người dùng không bị bối rối khi gặp phải sự cố trong lúc đang dùng máy scan, META đã tổng hợp các lỗi thường gặp ở máy scan cũng như những cách để sửa chữa, cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!
Lỗi máy scan không kết nối với máy tính
Trong quá trình sử dụng máy scan, bạn có thể gặp lỗi máy scan không kết nối với máy tính. Đây là một lỗi phổ biến và có thể dễ dàng nhận biết bằng những dấu hiệu sau:
- Khi máy scan đã được bấm khởi động nhưng máy scan không chạy.
- Khi bạn mở phần mềm quản lý máy scan trên máy tính nhưng lại không thấy tên máy scan xuất hiện trong danh sách thiết bị được liệt kê, điều này cho thấy máy tính không nhận diện máy scan.
- Một số thông báo lỗi có thể hiển thị trên màn hình khi bạn cố gắng kết nối máy scan với máy tính. Ví dụ: “Không tìm thấy thiết bị”, “Không thể kết nối đến máy scan” hoặc “Lỗi kết nối”.
- Khi bạn chạy phần mềm quét trên máy tính và không thể thực hiện quét từ máy scan, điều này cho thấy rằng máy tính và máy scan không kết nối với nhau.
Có 4 nguyên nhân chính dẫn đến lỗi không tìm thấy máy scan, bao gồm: Lỗi dây cáp USB bị đứt hoặc lỏng, lỗi đầu kết nối USB gặp sự cố, lỗi phần mềm scan không tương thích và lỗi driver máy scan chưa được update.
Khi đã xác định được lỗi, bạn có thể tiến hành sửa chữa theo những phương pháp sau đây:
- Khi máy tính không nhận máy scan qua cổng USB, bạn nên kiểm tra cáp kết nối có bị hỏng, đứt hoặc cổng USB có bị lỗi hay không. Trong trường hợp đầu kết nối bị lỏng lẻo thì bạn có thể cắm lại cho chắc chắn hơn. Nhưng nếu dây cáp kết nối hoặc cổng USB bị hỏng thì bạn nên thay một chiếc dây mới hoặc thay cổng USB để đảm bảo kết nối máy tính và máy scan ổn định và hoạt động trơn tru.
- Nếu lỗi đến từ vấn đề driver đã cũ hoặc phần mềm thiết bị bị trục trặc. Bạn chỉ cần gỡ bỏ các phần mềm quét và cài đặt lại phần mềm mới hoặc update bản driver mới nhất phù hợp với máy.
- Kiểm tra chế độ Compatibility bằng cách nhấp chuột vào biểu tượng máy scan cần kết nối, tiếp đó chọn Properties từ menu. Bạn ấn chọn tab Compatibility rồi tìm chọn Run this program in compatibility mode. Bạn ấn bỏ chọn và click vào nút OK để kích hoạt chương trình.
- Mở hộp thoại Start Search, nhập dòng lệnh msdt.exe/id Device Diagnostic rồi ấn Enter để khởi chạy chương trình Hardware and Devices Troubleshooter.
- Kiểm tra các Window Services bằng cách ấn tổ hợp phím Windows + R để mở hộp thoại Run và gõ dòng lệnh services.msc và ấn OK. Bạn tìm và click chuột vào Windows Image Acquisition (WIA) Service rồi chọn Properties. Bạn hãy chắc chắn rằng Startup Type và Service Status đã được lần lượt chuyển đổi thành Automatic và Running. Tiếp theo, bạn ấn Apply và kiểm tra xem máy in đã hoạt động hay chưa. Bên cạnh đó, bạn cũng nên đảm bảo rằng DCOM Server Process Launcher, Shell Hardware Detection, Remote Procedure Call và RPC Endpoint Mapper cũng đã được khởi động và đặt thành Automatic.
Xem thêm: Cách sửa lỗi không kết nối được máy in qua mạng LAN
Lỗi máy scan không scan được hết trang
Bạn có thể nhận ra lỗi máy scan không scan được hết trang bằng mắt thường. Khi đó, bản scan sẽ không hiển thị nội dung đầy đủ như bản gốc, đa phần sẽ mất một khoảng nội dung ở cuối trang.
Việc đặt sai khổ giấy khi scan thường là nguyên nhân chính dẫn đến việc máy scan không hết trang. Nhà sản xuất thường để chế độ mặc định ở khổ Letter (khổ Letter nhỏ hơn khổ A4), vậy nên trong quá trình scan, nếu người dùng không chú ý thay đổi từ khổ Letter sang khổ A4 máy scan chỉ lấy phần nội dung vừa đủ cho khổ Letter và cắt bỏ nội dung còn lại. Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng có thể đến từ quả cao su kéo giấy khay ADF.
Để khắc phục được lỗi này, bạn có thể tham khảo các cách sau:
- Kiểm tra xem khổ giấy đã đúng chưa, nếu khổ giấy vẫn đang ở mặc định khổ Letter thì bạn hãy thay đổi sang khổ A4.
- Trong trường hợp cần thay thế quả cao su kéo giấy vì nó bị mòn hoặc hỏng hóc thì bạn hãy gọi nhân viên sửa máy scan để được tư vấn và sửa chữa một cách chuyên nghiệp và chính xác nhất.
Xem thêm: Tại sao máy in không ra chữ và cách sửa
Lỗi máy scan không lưu được
Lỗi máy scan không lưu được là một lỗi thường xuyên xảy ra nhưng không phải ai cũng biết cách xử lý. Dấu hiệu nhận biết lỗi này là sau khi bạn thực hiện quét tài liệu bằng máy scan và nhấn nút Lưu hoặc Save nhưng file scan không vào máy tính, hoặc không có bất kỳ tệp hình ảnh, văn bản nào được hiển thị trong máy tính.
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến lỗi máy scan không lưu được bao gồm: Lỗi do phần mềm của máy, lỗi kết nối máy scan với máy tính và lỗi đường truyền mạng.
Sau khi đã xác định được nguyên nhân, bạn có thể tiến hành sửa chữa lỗi file scan không vào máy tính bằng các cách như sau:
- Cài đặt lại Driver và phần mềm của máy scan. Sau khi các phần mềm đã được cài đặt thành công, bạn khởi động lại máy và tiến hành scan lại để xem máy đã lưu lại được file như bình thường chưa.
- Kiểm tra lại dây cáp và đầu kết nối để xem chúng đã được cắm đúng cách hay chưa, có bị đứt hoặc hỏng hóc gì không. Nếu phát hiện lỗi đến từ dây cáp kết nối thì bạn chỉ cần sửa chữa hoặc thay mới dây cáp là có thể sử dụng máy scan như bình thường.
- Kiểm tra xem có phải do mạng chập chờn hoặc mất mạng hay không. Đối với chức năng Scan to network folder, bạn hãy kiểm tra lại đường dẫn folder chứa file scan đã được chia sẻ (shared network) hay chưa.
Xem thêm: 7 Cách sửa lỗi máy in nhận lệnh nhưng không in hiệu quả nhất
Lỗi máy scan bị sọc
Khi máy scan bị sọc, trên hình ảnh được quét sẽ xuất hiện sọc đen hoặc sọc màu. Những sọc màu đen hoặc sọc màu có thể xuất hiện trên toàn bộ hình ảnh quét hoặc chỉ xuất hiện ở một phần cụ thể. Những vệt sọc này có thể có độ rõ nét khác nhau, một số sọc có thể rất rõ ràng và đậm, trong khi những sọc khác có thể mờ hơn.
Khi máy scan bị sọc màu hoặc máy scan bị sọc đen sẽ khiến chất lượng của bản in bị giảm xuống, các chi tiết trong tài liệu sẽ bị nhòe, che đi hoặc mất hoàn toàn.
Nguyên nhân xảy ra lỗi này bao gồm: Kính bảo vệ đèn scan bị bám bụi bẩn và đèn scan bị cháy.
Để khắc phục được lỗi này, bạn có thể làm theo các bước sau:
- Bạn nên tắt máy và rút nguồn điện của máy scan. Sau đó, bạn đợi từ 5 – 10 phút cho máy nguội.
- Mở nắp máy scan và dùng một tấm vải mềm, ẩm để lau sạch những vết bẩn và bụi bặm bám trên tấm kính bảo vệ đèn scan.
- Cuối cùng, bạn khởi động lại máy scan xem lỗi máy scan bị sọc còn xuất hiện nữa hay không.
Trong trường hợp đèn scan bị cháy thì bạn nên gọi cho trung tâm bảo hành hoặc nhân viên sửa chữa chuyên nghiệp để được tư vấn và sửa chữa lỗi chuẩn xác, triệt để nhất.
Xem thêm: Máy in bị lem mực một bên: Nguyên nhân và cách sửa
Lỗi máy scan bị mờ
Hiện tượng máy scan bị mờ có thể nhận biết bằng mắt thường. Khi đó, hình ảnh quét không có độ rõ nét như bình thường. Các chi tiết trên văn bản của tài liệu quét trở nên mờ, khó đọc hoặc không nhìn thấy. Lỗi này có thể xảy ra trên một phần hoặc toàn bộ hình ảnh quét.
Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng máy scan bị mờ có thể kể đến lỗi do hệ thống gương kính bị bẩn đục, đèn scan bị hỏng, cài đặt độ phân giải quá thấp, chế độ scan chưa phù hợp và không dùng các phần mềm scan đi kèm máy.
Các cách khắc phục lỗi máy scan bị mờ bao gồm:
- Vệ sinh hệ thống gương kính: Bạn dùng một chiếc khăn đã được làm ẩm bằng cồn, sau đó lau sạch mặt kính.
- Thay đèn scan: Sau một thời gian dài sử dụng, đèn scan có thể đã không còn nhạy như mới, vậy nên bạn nên thay thế đèn scan để máy hoạt động tốt hơn.
- Chọn độ phân giải phù hợp: Nếu bạn chọn độ phân giải quá thấp thì bản scan có thể xảy ra tình trạng bị mờ. Vậy nên, bạn nên điều chỉnh lại độ phân giải sao cho phù hợp với yêu cầu của bản thân.
- Cài đặt lại chế độ scan: Nhà sản xuất đã để rất nhiều chế độ scan cho bạn lựa chọn như scan ảnh, scan text, scan màu, scan PDF… Trong đó, chế độ scan ảnh, scan màu thì nét chữ sẽ không được sắc mịn như scan text, scan PDF. Vì vậy, bạn có thể dựa vào nhu cầu của bản thân để lựa chọn chế độ scan phù hợp.
- Sử dụng các phần mềm scan đi kèm theo máy: Nhiều người thường sử dụng phần mềm của bên thứ 3 thay vì sử dụng các phần mềm chuyên dụng đi theo máy. Điều này có thể khiến máy in của bạn thiếu đi một số chức năng cần thiết và tạo ra những bản scan kém chất lượng. Vậy nên, bạn nên cài đặt các phần mềm đi theo máy để có thể sử dụng đầy đủ các chức năng của máy scan nhé!
Xem thêm: Máy in bị mờ: Nguyên nhân và cách khắc phục từ A đến Z
Lỗi máy scan bị kẹt giấy
Trong quá trình quét, bạn phát hiện giấy đã được đưa vào máy scan nhưng sau đó lại bị kẹt ở bên trong bộ phận quét khiến giấy không thể di chuyển hoặc bị kẹt ở một vị trí cố định. Đây chính là dấu hiệu của lỗi máy scan bị kẹt giấy.
Những nguyên nhân dẫn đến lỗi này có thể kể đến:
- Do kích thước, khổ giấy, loại giấy không phù hợp với máy.
- Do tài liệu vẫn còn ghim, kẹp.
- Do bánh xe cao su dùng để cuốn giấy bị bẩn.
- Do miếng cao su ở bộ phận ngắt giấy bị mòn hoặc bị bung ra.
- Do 2 thanh gạt ở khay nạp giấy không khớp với khổ giấy cần scan.
Để sửa chữa những lỗi này, bạn có thể áp dụng các cách sau đây:
- Điều chỉnh 2 thanh gạt ở khay nạp giấy sao cho vị trí của 2 thanh gạt này khớp với khổ giấy cần scan.
- Kiểm tra thông số kỹ thuật của máy scan để từ đó lựa chọn đúng kích cỡ, định lượng giấy, loại giấy để scan.
- Vệ sinh vòng bánh xe cao su sạch sẽ.
- Thay mới miếng cao su ở bộ phận ngắt giấy.
- Tháo ghim, kẹp trên tài liệu trước khi đưa vào máy scan.
Xem thêm: Cách sửa máy in báo kẹt giấy nhưng không có giấy bên trong
Lỗi máy scan bị lệch
Lỗi máy scan bị lệch có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Khi đó, nội dung bản in sẽ không nằm ở giữa khổ giấy mà sẽ bị lệch về bên trái, bên phải hoặc cũng có thể là lệch về phía trên hoặc phía dưới. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến lỗi máy scan bị lệch là do người dùng đặt sai vị trí giấy.
Để khắc phục lỗi này thì khi đặt giấy vào máy scan, bạn cần chú ý đặt vào giữa tâm, điều chỉnh thanh chắn giấy ở trên khay nạp giấy tự động để giấy được giữ cố định. Nếu bạn đặt giấy bên dưới mặt kính thì nên để sát rìa và thẳng trang giấy.
Xem thêm: 3 nguyên nhân máy in ra mực không đều và cách sửa
Lỗi máy scan phát ra tiếng ồn
Trong quá trình hoạt động, máy scan có thể phát ra những âm thanh khiến người dùng khó chịu. Lúc này, bạn nên kiểm tra xem máy scan có vướng vật gì bên trong không. Nếu không có vật gì vướng bên trong máy mà máy vẫn có tiếng ồn thì có thể là lỗi đến từ các linh kiện bên trong máy. Khi đó, bạn nên liên hệ với kỹ thuật viên hoặc trung tâm bảo hành để sửa lỗi này được triệt để nhất nhé!
Xem thêm: 6 Lý do tại sao máy in không chạy và cách sửa
Lỗi máy scan bị nóng
Nếu bạn cảm nhận được máy scan bị nóng và tỏa nhiệt ra xung quanh khi đang hoạt động, bạn nên dừng máy scan lại ngay lập tức, sau đó kiểm tra máy. Thông thường, nguồn điện không ổn định hoặc máy làm việc quá công suất sẽ là 2 nguyên nhân chính dẫn đến lỗi này.
Trong trường hợp này, bạn nên tắt máy để máy được nghỉ ngơi sau đó kiểm tra lại nguồn điện xem có đang ổn định hay không.
Xem thêm: Lỗi máy in bị chấm than vàng sửa thế nào?
Lỗi máy scan quét rất chậm
Khi sử dụng máy scan, bạn mất rất nhiều thời gian để đợi máy scan quét xong, điều này có thể là dấu hiệu của lỗi máy scan quét chậm. Lỗi này thường là do cài đặt sai cấu hình của máy tính sau hoặc sử dụng sai USB.
Lỗi này có thể khắc phục bằng 2 cách sau đây:
- Kiểm tra cấu hình của máy tính xem đã đúng với cấu hình do nhà sản xuất đưa ra hay chưa.
- Phải sử dụng USB 2.0 mới có thể kết nối máy tính và máy scan. Nếu chuẩn USB thấp hơn 1.1 thì sẽ ảnh hưởng đến tốc độ quét của máy.
Xem thêm: 3 Cách sửa lỗi không hiển thị máy in trong Devices and Printers
Hy vọng những thông tin trong bài đã giúp bạn biết cách sửa các lỗi phổ biến của máy scan. Đừng quên thường xuyên truy cập META.vn để tham khảo thêm nhiều thông tin tư vấn thiết bị văn phòng hữu ích khác nhé. Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau!
META.vn – Mua Hàng Chính Hãng Online, Giá Tốt!