Chỉ còn ít ngày là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em nên giảm cường độ học, tránh căng thẳng. Bởi nó có thể gây ảnh hưởng tới hiệu quả thi. Rất nhiều trường hợp, khi ôn luyện thì học rất nhiều nhưng đến lúc vào phòng thi bỗng quên mất kiến thức. Đây là trải nghiệm không ít người trong chúng ta đã gặp.
Trả lời VTV tối 4/7, thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Uân, thành viên Hiệp hội Tâm thần Mỹ, cho hay các thí sinh khi bước vào phòng thi thường gặp vấn đề quên mọi kiến thức đã ôn luyện trước đó. Theo ông Uân, trong tâm thần học, đây là hiện tượng quên trí nhớ tạm thời.
Khi gặp phải tình trạng này, bác sĩ Uân khuyến cáo các em học sinh không nên lo lắng. Thay vào đó, chúng ta cần giữ tâm lý bình tĩnh, hít thở sâu, làm câu hỏi dễ trước. Chỉ cần mẹo nhỏ này, các em sẽ nhớ lại những kiến thức đã học, ôn luyện.
Theo ông Uân, việc quên kiến thức trong phòng thi chỉ có tính chất tức thì, không phải vĩnh viễn. Do đó, điều quan trọng nhất là tâm lý vững vàng và bình tĩnh trước và trong phòng thi để đạt kết quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, các em cũng không nên ôn cấp tốc ngày đêm vào những ngày cận thi. Thay vào đó, chúng ta nên xây dựng thời gian biểu hợp lý, xen kẽ giữa ôn tập và nghỉ ngơi.
Theo một phân tích trên Straits Times, hiện tượng quên trí nhớ tạm thời liên quan đến 3 vùng não bộ. Trước tiên phải kể đến là vùng hypothalamus, chịu trách nhiệm điều khiển thân nhiệt, đói, khát… Hypothalamus giúp kết nối giữa môi trường xung quanh với cảm giác của cơ thể, bị hệ thống nội tiết tố chi phối mạnh mẽ.
Thứ hai là vùng hippocampus, hay còn gọi là hồi hải mã. Chịu trách nhiệm ghi nhớ thông tin, kiến thức hay khái niệm. Cuối cùng là vùng vỏ não trước trán. Nó nằm ngay sau hốc mắt, chịu trách nhiệm thiết lập mục tiêu, chi phối hoạt động và điều tiết cảm xúc.
Ba vùng não nãy kết hợp sẽ ảnh hưởng đến việc gợi nhớ lại kiến thức. Trong điều kiện bình thường như ở nhà hay thư viện, não bộ đang ở trạng thái bình tĩnh. Vùng hypothalamus tiết ra ít các hormone căng thẳng. Nhưng khi vào phòng thi thì mọi chuyện đảo ngược hoàn toàn. Những suy nghĩ sợ điểm thấp, sợ thất bại khiến não bộ nhận diện đối mặt với mối đe dọa. Ngay lập tức, vùng hypothalamus sẽ tiết ra các hormone gây căng thẳng như norepinephrine và cortisol. Chúng tác động đến 2 vùng não còn lại, khiến khả năng tư duy và nhớ lại thông tin bị suy giảm.
Cách ứng phó
Một số cách có thể giải quyết hiện tượng này. Cách thường thấy nhất là hãy thư giãn, giúp não bộ không còn nhận diện đây là tình huống đe dọa. Từ đó, hormone sẽ được điều chỉnh, sự bình tĩnh trở lại và kiến thức lại “quay về”.
Luyện tập ở nhà như thi thật. Áp lực tâm lý trong phòng thi sẽ khiến bạn quên đi ít nhiều kiến thức, bởi thế ngoài việc tham gia các kỳ thi thử bạn cũng nên tự luyện đề tại nhà với thời gian như thi thật để làm quen với các phương án giải nhanh.
Sau khi đã chuẩn bị tốt về mặt kiến thức. Các em có thể bấm thời gian làm bài trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của bộ GD&ĐT giúp các bạn đánh giá được năng lực của mình chính xác nhất.
Càng luyện tập nhiều thì bạn sẽ càng quen với việc tìm ra phương pháp giải nhanh và chính xác, đồng thời giảm được kha khá các áp lực ở trong phòng thi.
Quốc Tiệp (t/h)