Uống kháng sinh có hiến máu được không đang là vấn đề được nhiều người quan tâm, đặc biệt là nhóm người đang có nhu cầu muốn hiến máu. Để trả lời được câu hỏi này, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu nhé!
Ai có thể hiến máu?
Trước khi tìm câu trả lời cho câu hỏi uống kháng sinh có hiến máu được không, Nhà thuốc Long Châu sẽ bổ sung thêm cho bạn đọc về những đối tượng có thể hiến máu.
Theo đó, người được chấp nhận hiến máu là những đối tượng cần phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn được quy định cụ thể như sau:
Tính chất pháp lý:
- Trong độ tuổi từ 18 – 60 tuổi.
- Tự nguyện hoàn toàn tuyệt đối khi đi hiến máu.
- Không phải là người đang chịu trách nhiệm hình sự hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Cá nhân đi hiến máu cần phải xuất trình một trong các loại giấy tờ có dán ảnh thẻ như căn cước công dân hoặc chứng minh thư, giấy phép lái xe, hộ chiếu…
- Người đăng ký hiến máu cần phải tự điền đầy đủ thông tin vào bảng khai báo hành chính cũng như tình trạng sức khỏe của bản thân và ký tên xác nhận những thông tin cung cấp là hoàn toàn chính xác.
Tình trạng sức khỏe cá nhân:
- Tùy vào cân nặng và thể trạng của cơ thể người hiến máu mà hiến lượng máu phù hợp.
- Người hiến không mắc phải các bệnh lý cấp tính hoặc mạn tính theo quy định.
- Chỉ số huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu không quá thấp hoặc quá cao.
- Nhịp tim đều và tần số tim trung bình.
Như vậy, người hiến máu cần phải đáp ứng đủ các tiêu chí cơ bản về tính pháp lý cũng như tình trạng sức khỏe được nêu trên trước khi tham gia hiến máu. Vậy người đang uống kháng sinh có hiến máu được không?
Người uống kháng sinh có hiến máu được không?
Việc sử dụng thuốc trong cộng đồng là rất phổ biến, có thể là thuốc được kê toa hoặc không kê toa tại nhà thuốc nhằm điều trị các tình trạng bệnh lý cấp hoặc mạn tính. Tuy nhiên, có những loại thuốc khi đang được một người sử dụng thì người đó sẽ không được tham gia hiến máu hoặc cần phải trì hoãn hiến máu trong khoảng thời gian nhất định. Vậy người đang uống thuốc kháng sinh có hiến máu được không? Câu trả lời là bạn không thể hiến máu ngay lập tức.
Bạn không thể hiến máu luôn mà cần phải đợi một khoảng thời gian cụ thể sau khi sử dụng hết đợt thuốc kháng sinh theo quy định của tổ chức hiến máu cũng như mỗi quốc gia. Tùy thuộc vào loại thuốc kháng sinh và nguyên nhân cần dùng kháng sinh mà thời gian chờ được hiến máu là khác nhau. Bởi, việc này nhằm mục đích đảm bảo tình trạng sức khỏe của người hiến cũng như người nhận không bị ảnh hưởng bởi thuốc.
Thông thường, các tổ chức hiến máu sẽ yêu cần người hiến cần chờ từ 24 – 48 giờ trước khi tiến hành hiến máu sau khi kết thúc liệu trình dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, bạn nên thông báo với bác sĩ về loại thuốc kháng sinh đang sử dụng và tham khảo ý kiến về việc bạn có thể hiến máu được hay không hoặc cần chờ trong thời gian bao lâu?
Những đối tượng không nào không nên hiến máu?
Đối với những người đang uống thuốc kháng sinh thì không nên hiến máu ngay lập tức, cần trì hoãn sau một khoảng thời gian kết thúc liệu trình. Ngoài ra, những đối tượng sau đây cũng cần phải trì hoãn hiến máu, bao gồm:
Trì hoãn hiến máu trong vòng 12 tháng
Những đối tượng cần trì hoãn hiến máu trong 12 tháng, bao gồm:
- Cơ thể khôi phục hoàn toàn sau khi tiến hành các can thiệp ngoại khoa.
- Điều trị khỏi các bệnh lý truyền nhiễm qua đường máu như giang mai, sốt rét…
- Kết thúc đợt tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại sau khi bị động vật cắn hoặc truyền máu, tiêm truyền, các chế phẩm máu và chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ máu.
- Phụ nữ sau khi chấm dứt thai nghén hoặc sau khi sinh con.
Trì hoãn hiến máu trong vòng 6 tháng
Bao gồm các đối tượng sau:
- Sau khi xăm trổ trên da.
- Sau khi bấm khuyên tai, khuyên mũi, khuyên rốn hoặc tại các vị trí khác trong cơ thể.
- Sau khi bị phơi nhiễm với máu hoặc dịch cơ thể của người có nguy cơ hoặc đã bị nhiễm các bệnh lý truyền nhiễm lây truyền qua đường máu.
- Khỏi bệnh sau khi mắc phải một số bệnh lý như nhiễm trùng huyết, thương hàn, viêm tắc tĩnh mạch, viêm tắc động mạch, viêm tụy, viêm tủy xương hoặc bị rắn cắn.
Trì hoãn hiến máu trong vòng 4 tháng
Gồm có các đối tượng sau:
- Khỏi bệnh sau khi mắc phải một số bệnh lý như viêm dạ dày – tá tràng, viêm đường tiết niệu, viêm phế quản, viêm phổi, viêm da nhiễm trùng, bệnh sởi, quai bị, ho gà, sốt xuất huyết, tả, rubella, kiết lỵ.
- Sau khi kết thúc đợt điều trị tiêm phòng vaccine rubella, thương hàn, sởi, quai bị, tả, thủy đậu, BCG.
- Mới nhổ răng hoặc có vết thương.
Trì hoãn hiến máu trong vòng 7 ngày
Các đối tượng sau đây cần trì hoãn hiến máu trong 7 ngày, cụ thể là:
- Khỏi bệnh sau khi mắc phải một số bệnh lý như cảm lạnh, cảm cúm, viêm mũi dị ứng, đau nửa đầu, viêm họng.
- Trước hoặc sau chu kỳ kinh nguyệt đối với nữ giới.
- Tiêm phòng các loại vaccine theo quy định.
Ngoài ra, những người thuộc nhóm đối tượng sau đây không nên hiến máu, bao gồm:
- Mắc các bệnh lý mãn tính như huyết áp, tim mạch, thần kinh, tâm thần, hô hấp, nội tiết.
- Xét nghiệm HIV dương tính hoặc người mắc phải bệnh AIDS, viêm gan B và C.
- Tiêm chích ma túy.
- Người có quan hệ tình dục không an toàn với nhiều người, có nhiều bạn tình.
- Nam giới có quan hệ tình dục với người cùng giới khác.
Một số lưu ý khi hiến máu
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe khi hiến máu, bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau:
Trước khi hiến máu:
- Trước một tuần hiến máu: Cần có chế độ ăn uống hợp lý để hiến máu thành công như ăn uống đầy đủ chất, không bỏ bữa, hạn chế thức khuya, giữ tinh thần thoải mái.
- Trước ngày hiến máu: Không ăn các món ăn chứa nhiều đường hoặc nhiều dầu mỡ, không thức quá khuya (ngủ đủ giấc) và tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, chè, cà phê…
- Buổi sáng ngày hiến máu: Bạn nên ăn nhẹ trước khi đi, không ăn đồ ăn nhanh, đồ béo hoặc ngọt và uống nhiều nước. Mặc trang phục thoải mái, mang theo căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân khác, đồng thời ghi chú lại những loại thuốc mà bạn đang sử dụng (nếu có).
Trong khi hiến máu:
- Sau khi đăng ký và được khám sàng lọc, bạn nên nghỉ ngơi trước khi tiến hành lấy máu.
- Sau khi lấy máu xong, người hiến máu cần giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng bằng cách trò chuyện với người xung quanh hoặc tình nguyện viên.
- Nếu thấy xuất hiện dấu hiệu bất thường như chóng mặt, buồn nôn, đau buốt tại vị trí tiêm… trong thời gian lấy máu, hãy báo ngay cho nhân viên y tế.
Sau khi hiến máu:
- Hãy ngồi nghỉ ngơi tại khu vực theo dõi sau khi hiến máu, chỉ được ngồi dậy hoặc đứng lên đi lại khi thực sự thoải mái và có sự đồng ý của nhân viên y tế.
- Nếu cơ thể xuất hiện dấu hiệu bất thường về sức khỏe như chóng mặt, mệt mỏi, vã mồ hôi… bạn cần giữ bình tĩnh, nằm ngay xuống và báo cho nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên, chỉ được ra về khi tình trạng sức khỏe đã ổn định.
- Sau khi rời điểm hiến máu: Không hút thuốc lá trong vòng 4 giờ đầu sau hiến máu, không thức khuya, tránh uống bia rượu. Bạn cũng cần ăn uống đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể nhanh hồi phục. Đồng thời, không nên tham gia vào các hoạt động đòi hỏi thể lực mạnh như leo núi, đá bóng, tập gym, chạy bộ… trong vài ngày đầu sau khi hiến máu.
Hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp mà được cả xã hội tôn trọng. Tuy nhiên, việc hiến máu được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe người hiến, tính pháp lý trong quy định. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết trên đã giúp bạn đọc trả lời được câu hỏi uống kháng sinh có hiến máu được không.