Viêm họng mãn tính uống thuốc gì là câu hỏi thắc mắc của nhiều người khi điều trị viêm họng. Mời bạn đọc bài viết này sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến bệnh viêm họng và các phương pháp điều trị bằng thuốc để bạn lựa chọn loại thuốc phù hợp sao cho an toàn, hiệu quả.
1. Viêm họng mạn tính là gì?
Viêm họng mạn tính là tình trạng viêm họng ở phía sau và hầu họng. Bệnh thường tái phát lặp lại nhiều lần, kéo dài hơn 1 tháng vẫn chưa khỏi. Viêm họng mạn tính có thể do viêm họng cấp kéo dài nhưng không được điều trị khỏi. Điều này gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh trong thời gian dài. Bệnh này có thể điều trị khỏi nhưng hay tái phát ở người có tiền sử trào ngược dạ dày, nghiện rượu bia hoặc chế độ sinh hoạt ăn uống không hợp lý. Thông thường, viêm họng mạn tính nằm ở bốn dạng sau:
– Viêm họng mạn tính xuất tiết: Đây là giai đoạn ban đầu của viêm họng mạn tính với biểu hiện niêm mạc họng đỏ, xuất tiết dịch nhầy ở phía sau thành họng.
– Viêm họng mạn tính sung huyết: Biểu hiện đặc trưng của giai đoạn này là niêm mạc họng đỏ, hình thành các hạt ở thành sau họng và dịch nhầy tiết ra ở thành sau họng.
– Viêm họng mạn tính quá phát: Nó còn có tên gọi khác là viêm họng hạt với sự xuất hiện các nang lympho tăng sản quá mức ở thành sau họng. Điều này khiến cho niêm mạc họng, lưỡi gà, má hầu đều dày và gồ lên với các hạt xơ hóa màu hồng hoặc đỏ.
– Viêm họng mạn tính teo: Sau giai đoạn viêm họng mạn tính quá phát thì chuyển sang giai đoạn viêm họng mạn tính teo. Lúc này các tuyến nhầy và nang tân bị xơ hóa, đồng thời các hạt ở thành sau họng cũng biến mất. Niêm mạc trở nên nhẵn, mỏng dần đi, eo họng bắt đầu giãn rộng, dịch nhầy khô dần và bám thành vảy vào niêm mạc.
2. Nguyên nhân dẫn đến viêm họng mạn tính
Viêm họng mạn tính ngoài nguyên nhân do vi khuẩn, virus xâm nhập còn nhiều yếu tố khác gây ra bệnh. Ta phải xác định rõ nguyên nhân thì việc điều trị viêm họng mạn tính mới hiệu quả. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm họng mạn tính:
– Trào ngược dạ dày thực quản: Nguyên nhân bị trào ngược dạ dày được giải thích là do cơ vòng dưới của thực quản suy yếu và không khép chặt lại được. Điều này dẫn đến biểu hiện dịch vị trào ngược từ dạ dày lên tới cổ họng, thực quản. Vì vậy, khi dịch vị qua cổ họng có thể ăn mòn và khiến cho cổ họng bị viêm, sưng đau.
– Ngạt tắt mũi: Đây là tình trạng đặc trưng bởi lượng dịch nhầy chảy từ xoang xuống cổ họng có thể do mũi bị dị ứng, dị hình vách ngăn mũi, viêm xoang, polyp mũi…Khi bị ngạt tắt mũi khiến người bệnh phải thường xuyên thở bằng miệng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus tấn công thành họng dễ dàng hơn gây viêm họng mạn tính.
– Viêm amidan mạn tính: Viêm amidan nếu không được chữa trị dứt điểm thường dẫn đến viêm họng mạn tính. Khi bị viêm amidan thường bị nhiễm trùng do vi khuẩn, virus tấn công từ bên ngoài.
– Viêm xoang mạn tính: Khi người bệnh bị viêm xoang mạn tính thường kéo theo các bệnh hô hấp khác. Vì hệ hô hấp có liên quan chặt chẽ đến nhau, khi một bộ phận này bị viêm sẽ lan tới các cơ quan khác. Lúc này mô xoang bị viêm phù nề, khoang mũi bị tắt, chảy dịch xuống cổ họng. Trong dịch nhầy chứa nhiều vi khuẩn, virus dễ dàng xâm nhập vào hầu họng gây ra viêm họng mạn tính.
– Bệnh bạch cầu đơn nhân: Bệnh này thường liên quan đến virus Epstein-Barr gây ra nhiễm trùng kéo dài đến 2 tháng. Trong giai đoạn bị nhiễm trùng, người bệnh có thể kèm theo viêm họng.
– Bệnh lậu: Đây là bệnh do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae lây qua đường tình dục. Khi quan hệ bằng miệng với vấn đề vệ sinh vùng kín không được đảm bảo có thể gây ra nhiễm trùng lậu ở cổ họng dẫn đến viêm họng kéo dài.
– Dị ứng cơ địa: Nếu bạn có cơ địa dễ bị dị ứng với các yếu tố kích thích từ môi trường ngoài thì dẫn đến hàng loạt các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng, hen phế quản. Khi các vùng này bị viêm có thể lan sang vùng xung quanh gây ra viêm họng, viêm amidan.
– Lối sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh: Lối sống là một trong những yếu tố quan trọng liên quan đến bệnh tật. Nghiên cứu cho thấy những người có lối sống không lành mạnh, hay uống rượu bia, hút thuốc lá thì nguy cơ cao dẫn đến viêm họng mạn tính.
– Ngoài ra, còn có các yếu tố khác góp phần tăng nguy cơ bị viêm họng có thể kể đến như có bệnh lý đái tháo đường, hệ miễn dịch kém, môi trường sống xung quanh bị ô nhiễm, cấu tạo cơ quan hô hấp bẩm sinh bất thường…
3. Triệu chứng của viêm họng mạn tính
Bình thường, viêm họng mạn tính ít có dấu hiệu rõ ràng, chỉ khi có các đợt viêm họng cấp tái phát thì sẽ xuất hiện các triệu chứng đặc trưng sau:
– Vùng cổ họng bị khô, đau rát, ngứa khó chịu, đặc biệt là khi buổi sáng mới ngủ dậy.
– Cổ họng tiết dịch đờm có thể đặc hoặc lỏng với nhiều màu sác khác nhau từ trong suốt, trắng đục đến xanh vàng…kèm theo hôi miệng.
– Giọng bị khàn, nuốt vào bị vướng và có cảm giác đau.
– Ho dai dẳng kéo dài nhiều ngày, đặc biệt là khi trời lạnh.
– Ngoài ra, có thể xuất hiện một số triệu chứng khi bị nhiễm trùng cấp như sốt cao, đau đầu, cơ thể mệt mỏi…
4. Viêm họng mãn tính uống thuốc gì là tốt?
4.1 Viêm họng mãn tính uống thuốc gì từ thuốc tây y
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh viêm họng mạn tính là gì mà bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc khác nhau sau đây để có phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh nhân:
– Nhóm thuốc kháng sinh trị vi khuẩn gây bệnh viêm họng: Khi bạn bị viêm họng do vi khuẩn gây ra, bác sĩ sẽ kê cho bạn kháng sinh trong phác đồ điều trị bệnh. Nhóm kháng sinh được sử dụng ở đây chủ yếu là các kháng sinh phổ rộng như Roxithromycin, Penicillin, Augmentin… để tiêu diệt hầu hết các loại vi khuẩn gây bệnh tai mũi họng.
– Nhóm thuốc chữa hội chứng trào ngược dạ dày thực quản: Đối với trường hợp bệnh nhân viêm họng do bị trào ngược dạ dày thực quản thì bắt buộc bác sĩ sẽ phải kê các thuốc trị bệnh này để giải quyết gốc rễ bệnh viêm họng. Một số thuốc trong nhóm này phải kể đến như thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng H2… làm giảm tiết acid dịch vị trong dạ dày.
– Nhóm thuốc chống dị ứng: Nếu bạn bị dị ứng cơ địa dẫn đến viêm họng thì cần sử dụng các thuốc chống dị ứng. Tuy nhiên các thuốc này chỉ giúp bạn làm giảm triệu chứng của bệnh chứ không trị dứt điểm dị ứng được. Các thuốc thường dùng để chống dị ứng đường hô hấp hiện nay gồm nhóm thuốc kháng Histamin và nhóm Corticoid.
– Nhóm thuốc long đờm, tiêu đờm: Thông thường những người bị ho có đờm bác sĩ sẽ phải dùng thêm các thuốc làm long đờm, tiêu đờm. Các thuốc này sẽ làm giảm độ đặc của đờm để dịch nhầy được đào thải ra ngoài dễ dàng hơn. Vì vậy, bệnh nhân sẽ giảm cảm giác khó chịu do đờm mang lại. Một số thuốc lonng đờm, tiêu đờm phổ biến trên thị trường là Bromhexin, Acetylcystein…
– Nhóm thuốc kháng viêm: Đây là nhóm thuốc giúp làm giảm các dấu hiệu sưng đau, phù nề, áp xe… do viêm họng gây ra. Các bác sĩ hay chỉ định các thuốc như Lysozyme, Alphachymotrypsin để giúp bệnh nhân giảm sưng viêm.
– Nhóm thuốc kháng sinh hạ sốt: Khi bị nhiễm trùng, viêm họng thường hay dẫn đến sốt. Các thuốc hạ sốt thường được sử dụng hiện nay là Ibuprofen, Paracetamol, Aspirin nhằm giúp hạ sốt nhanh chóng cho người bệnh.
– Nhóm thuốc giảm ho khan: Ho là phản ứng sinh lý cơ thể để tống xuất các vi khuẩn, vật lạ trong đường hô hấp ra bên ngoài cơ thể. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị ho dai dẳng và kéo dài sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi nhiều. Vì vậy, trong phác đồ điều trị bệnh viêm họng mạn tính, bác sĩ thường thêm các loại thuốc giảm ho như Codein, Dextromethorphan. Ngoài ra, bác sĩ còn kê các thuốc nhỏ mũi, nước súc miệng nhằm sát trùng và vệ sinh hệ hô hấp.
4.2 Viêm họng mạn tính uống thuốc gì từ bài thuốc dân gian
Bệnh viêm họng mạn tính phải điều trị lâu dài nên việc sử dụng nhiều thuốc Tây y có thể gây một số tác dụng phụ khó chịu cho bệnh nhân. Vì vậy, một số người đã tìm đến các bài thuốc dân gian để hỗ trợ điều trị bệnh. Các bài thuốc này đa phần dễ kiếm, chi phí rẻ và khá lành tính. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ mang tính chất hỗ trợ điều trị và chỉ hiệu quả đối với mức độ bệnh lý nhẹ. Sau đây là một số bài thuốc dân gian bạn có thể áp dụng để chữa viêm họng mạn tính:
– Trị viêm họng từ mật ong và chanh: Mật ong trong Đông y có vị thanh, tính bình, có tác dụng kháng viêm hiệu quả. Do đó, mật ong hay được sử dụng để trị viêm họng. Bạn có thể pha mật ong cùng với nước cốt chanh hòa vào cốc nước ấm. Sau đó ngậm từng thìa trong cổ họng và nuốt dần.
– Trị viêm họng từ tỏi: Trong tỏi có chứa hoạt chất allicin vừa giúp diệt khuẩn đồng thời tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Để điều trị viêm họng, bạn lấy tỏi giã nát và thêm mật ong. Sau đó, bạn đem hỗn hợp này đun cách thủy đến khi sánh mịn là có thể dùng được. Một cách khác bạn có thể ăn sống tỏi trực tiếp hoặc lấy tỏi ngâm rượu cũng mang lại hiệu quả cao.
– Trị viêm họng từ gừng: Gừng vị cay, tính ấm và có khả năng kháng viêm nên được sử dụng để điều trị viêm họng. Bạn lấy gừng thái từng lát mỏng và hòa vào nước ấm. Bạn có thể thêm chanh, mật ong hoặc đường phèn để thưởng thức vị thuốc này.
– Trị viêm họng từ nước ép củ trắng: Trong củ cải trắng có chứa có chứa nhiều thành phần có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh về hô hấp, tiêu hóa. Đầu tiên, bạn thái củ cái trắng thành từng lát mỏng. Tiếp theo, bạn ngâm củ cải trắng với mật ong và đậy kín vào trong hộp. Khi bạn sử dụng thì lấy củ cải trắng pha với ít nước nóng và dùng thường xuyên trong thời gian dài để cải thiện tình trạng bệnh.
– Trị viêm họng từ lá tía tô: Lá tía tô chứa các hoạt chất như limonen, dihydrocumin… giúp tiêu đờm, sát khuẩn thích hợp đối với người bị bệnh viêm họng. Bài thuốc này gồm lá tía tô, hoa khế, hoa đu đủ đực và thái nhỏ các thành phần này. Bước kế tiếp bạn đem chưng cách thủy với đường phèn. Sau khi chưng xong hỗn hợp này, bạn lấy phần nước cốt và ngậm trong cổ họng rồi nuốt dần.
– Trị viêm họng từ lá húng chanh: Tương tự như lá tía tô, lá húng chanh cũng có tác dụng tiêu đờm, sát khuẩn rất hữu hiệu để trị viêm họng. Đầu tiên, bạn đem lá húng chanh thái nhỏ. Sau đó đem lá húng chanh chưng cách thủy với đường phèn. Sau khi chưng xong, bạn ngậm lá húng chanh trong họng và nuốt chậm rãi. Ngoài ra, có một cách khác khá đơn giản đó là bạn dùng lá húng chanh đập dập với muối và dùng trực tiếp.
Qua bài viết này bạn có thể trả lời cho bạn thắc mắc viêm họng mãn tính uống thuốc gì?. Tuy nhiên, khi bị viêm họng mạn tính, tốt nhất bạn nên đi bác sĩ để thăm khám. Các bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng, nguyên nhân gây bệnh mà có phương pháp điều trị thích hợp. Hi vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn các kiến thức bổ ích về bệnh viêm họng mạn tính để giúp bạn khi điều trị bệnh có lựa chọn đúng đắn và mang lại hiệu quả cao.