Bà bầu có được dùng dầu gió không? Đây đang là chủ đề được rất nhiều chị em quan tâm. Trước khi giải đáp thắc mắc này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu điểm qua một vài thông tin về dầu gió và tác dụng của dầu gió bạn nhé.
Tổng quan về dầu gió
Theo Đông y, cơ thể chúng ta thường dễ bị tam tà xâm nhập. Tam tà bao gồm phong (gió), hàn (lạnh), thấp (ẩm ướt). Tình trạng này gây nên một số chứng bệnh như trúng gió, nhức đầu, sổ mũi, đau bụng, đau cơ xương khớp và đau dây thần kinh…
Chính vì thế, ngành y dược đã nghiên cứu và điều chế ra các loại tinh dầu giúp phòng và điều trị các chứng bệnh do phong, thấp, hàn gây ra. Dầu gió là tên gọi chung nhất của nhóm dược phẩm này.
Thành phần của dầu gió
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại dầu gió khác nhau tùy thuộc vào thành phần, tỷ lệ điều chế cũng như các loại biệt dược kèm theo.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng dầu gió có thành phần chính là tinh dầu, chủ yếu là tinh dầu bạc hà đi kèm với các thành phần phụ khác nhau, tùy thuộc vào công thức riêng của từng nhà sản xuất. Hai thành phần thường gặp nhất có trong tinh dầu bạc hà đó là menthol và methyl salicylate. Ngoài ra còn phải kể đến một số thành phần như quế, khuynh diệp, tràm, long não, thông, hương nhu, camphor và cineol.
Tác dụng của dầu gió
Dầu gió có tác dụng làm đổ mồ hôi, giảm ho, giảm đau, sát trùng và thông mũi; được đánh giá là có hiệu quả rất tốt, giúp hỗ trợ điều trị các chứng bệnh như nhức đầu, sổ mũi, cảm lạnh, cảm cúm, đau nhức cơ xương khớp, đầy bụng khó tiêu, đau bụng, côn trùng đốt…
Ngoài ra, các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra một số công dụng tuyệt vời khác của dầu gió, trong đó phải kể đến như giúp cơ thể thư giãn, hỗ trợ ngủ sâu đồng thời chống mất ngủ, ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ nhiệt, phòng chống muỗi và khử mùi rất hiệu quả.
Tác dụng không mong muốn khi lạm dụng dầu gió
Tuy dầu gió mang đến nhiều công dụng tuyệt vời, song nếu sử dụng dầu gió một cách tùy tiện hoặc quá lạm dụng dầu gió thì có thể bạn sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro sức khỏe bao gồm:
- Kích ứng da: Hoạt chất methyl salicylate có trong dầu gió có tác dụng giảm đau chống viêm rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc lạm dụng dầu gió có thể gây kích ứng da với biểu hiện da nổi rộp.
- Hạ thân nhiệt: Các thành phần có trong dầu gió chủ yếu ở dạng tinh dầu có khả năng bốc hơi rất nhanh, khi xoa vào da gây tê tại chỗ, đồng thời tạo cảm giác mát lạnh. Chính vì thế, dùng nhiều dầu gió sẽ khiến cơ thể tăng bài tiết mồ hôi từ đó dễ gây hạ thân nhiệt.
- Tổn thương hệ hô hấp: Dầu gió có tác dụng làm thông mũi mát họng, song nếu dùng quá nhiều dầu gió sẽ dẫn đến rách vùng màng nhầy mũi, họng bởi dầu gió có đặc tính kích ứng, từ đó gây tổn thương cho hệ hô hấp.
- Ngộ độc: Eucalyptol và camphor là hai thành phần thường thấy trong dầu gió. Hai thành phần này sẽ trở thành chất độc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu sử dụng không đúng cách.
Những đối tượng không nên sử dụng dầu gió
Dưới đây là một số đối tượng không nên sử dụng dầu gió, bạn đọc có thể tham khảo:
- Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 24 tháng tuổi.
- Phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú.
- Người đang sốt cao, đổ mồ hôi nhiều và bị lở ngứa.
- Các trường hợp bị suy nhược, mới ốm dậy, người bị tăng huyết áp, táo bón.
Bà bầu có được dùng dầu gió không?
Bà bầu có được dùng dầu gió không là câu hỏi được rất nhiều chị em phụ nữ đăng tải trên các diễn đàn chăm sóc sức khỏe sinh sản. Như đã trình bày ở trên, trong dầu gió có rất nhiều các thành phần khác nhau và bà bầu là một trong những đối tượng không nên sử dụng dầu gió. Vì sao vậy?
Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, hai thành phần long não và bạc hà có trong dầu gió có khả năng thẩm thấu qua da, thông qua nhau thai và đi vào cơ thể của thai nhi. Việc mẹ bầu sử dụng quá nhiều dầu gió trong thai kỳ có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Cụ thể:
- Long não có trong dầu gió khi đi vào cơ thể mẹ sẽ gây co thắt tử cung, gây rối loạn hệ thần kinh trung ương, thậm chí là gây dị dạng thai nhi, thai chết lưu.
- Tinh dầu bạc hà lại có thể khiến mẹ bầu bị rối loạn hô hấp, gây ngừng tim và ngừng thở.
- Trong một số loại dầu gió có chứa thành phần methyl salicylat. Hoạt chất này có thể khiến mẹ bị khô mũi, giảm tiết dịch nhầy bên trong mũi, từ đó gây ra một số bệnh lý liên quan đến hô hấp.
- Ngoài ra, việc mẹ sử dụng quá nhiều dầu gió còn khiến mẹ có nguy cơ bị ngộ độc dầu gió với một loạt các biểu hiện như bỏng miệng, buồn nôn, nôn, khó thở, co giật, thậm chí là hôn mê. Các biểu hiện này nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào lượng dầu mà mẹ đã sử dụng.
Như vậy, với câu hỏi bà bầu có được dùng dầu gió không thì câu trả lời là không nên và nếu có dùng thì mẹ cũng cần xem kỹ các thành phần có trong dầu gió, đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng dầu gió. Trong trường hợp mẹ đã lỡ dùng dầu gió trong thai kỳ thì mẹ hãy ngưng sử dụng và báo ngay cho bác sĩ nhé.
Sử dụng dầu gió đúng cách
Tóm lại, bà bầu có được dùng dầu gió không? Việc các mẹ sử dụng dầu gió trong thai kỳ là điều không được khuyến khích, chính vì thế, bà bầu cần hạn chế tối đa việc sử dụng dầu gió. Tuy nhiên, nếu phải dùng, mẹ cần tuân thủ những nguyên tắc dưới đây để đảm bảo an toàn khi mang thai:
- Chỉ dùng dầu gió để bôi, tuyệt đối không được dùng dầu gió để uống hoặc ngửi bởi tỷ lệ ngộ độc dầu gió sẽ rất cao nếu mẹ uống dầu gió.
- Khi có các vết thương hở, không dùng dầu gió bôi vào đó.
- Trường hợp xông hơi hoặc ngâm mình trong bồn tắm với dầu gió, chỉ nên pha tối đa 5ml dầu gió vào chậu nước.
- Chỉ dùng 1 – 2 giọt dầu gió trong trường hợp mẹ muốn làm ấm quần áo.
- Tuyệt đối không sử dụng dầu gió khi bà bầu bị suy nhược cơ thể, táo bón và tăng huyết áp.
- Các mẹ cần chọn mua các sản phẩm dầu gió của các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nếu muốn sử dụng dầu gió nhằm phòng ngừa những hậu quả không đáng có của việc lỡ bôi dầu gió trong thai kỳ.
- Ngoài ra, một lưu ý không thể bỏ qua đó là trước khi sử dụng dầu gió, mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Hi vọng với những chia sẻ hôm nay của Nhà thuốc Long Châu đã có thể giúp bạn đọc giải đáp được băn khoăn bà bầu có được dùng dầu gió không. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, hãy liên hệ với tổng đài tư vấn của Nhà thuốc Long Châu để được giải đáp bạn nhé. Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh và vượt cạn thành công.