Phụ nữ mang thai, đặc biệt là ở những tháng cuối thai kỳ, thường không thể ăn quá nhiều mỗi bữa. Do vậy, mì ăn liền là món ăn nhanh được nhiều người yêu thích bởi tính tiện lợi và hương vị hấp dẫn. Nhiều phụ nữ mang thai vẫn bất chợt thèm mì ăn liền, nhưng e ngại khi có thông tin cho rằng thực phẩm này chứa nhiều chất bảo quản, phụ gia cũng như chất béo không tốt cho sức khỏe. Các chuyên gia nói gì về vấn đề này?
Mì ăn liền có chứa phụ gia, chất bảo quản không tốt cho sức khỏe?
Theo PGS. TS. Nguyễn Xuân Ninh – Viện Y học Ứng dụng Việt Nam – nhiều người thấy hạn sử dụng của mì ăn liền lên đến 5-6 tháng nên nghĩ rằng thực phẩm này có chứa nhiều chất bảo quản. Nhưng thực chất, mì ăn liền bảo quản được lâu là do bản thân sản phẩm có hàm lượng độ ẩm rất thấp và được đóng gói trong bao bì kín.
Chuyên gia này cho biết, mì ăn liền thường được chiên hoặc sấy để giảm độ ẩm trong vắt mì xuống mức thấp nhất, với mì chiên là dưới 3% và mì không chiên là dưới 10%, giúp sản phẩm bảo quản được lâu. Vì thế, việc cho rằng mì ăn liền bảo quản được lâu do chứa nhiều chất bảo quản là chưa chính xác.
“Cũng cần nhấn mạnh rằng, không phải cứ chất phụ gia hay chất bảo quản là không tốt. Hiện nay, việc sử dụng các chất này trong sản xuất thực phẩm đều phải tuân theo quy định của Bộ Y tế với hàm lượng cho phép, an toàn với người sử dụng. Bên cạnh đó, cũng chưa có bất kỳ một nghiên cứu khoa học nào đủ tin cậy để khẳng định những chất phụ gia thực phẩm sử dụng trong mì ăn liền là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe”, phó giáo sư chia sẻ.
Chất béo trong mì ăn liền có thực sự gây hại?
Liên quan đến lo ngại mì ăn liền chứa nhiều chất béo không tốt (trans fat) làm tăng cholesterol xấu trong máu dẫn tới tăng nguy cơ về bệnh tim mạch, PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh cho rằng, công nghệ sản xuất mì ăn liền hiện nay được cải tiến đã có thể kiểm soát tốt về hàm lượng trans fat phát sinh trong quá trình sản xuất. Một trong số đó là chiên mì bằng dầu thực vật dạng sệt (bán rắn). Đây là sản phẩm có nguồn gốc từ dầu cọ, được tách lọc bằng công nghệ làm lạnh tự nhiên. Dầu thực vật dạng sệt đã được chứng minh có khả năng hạn chế tối đa việc phát sinh trans fat trong quá trình sản xuất.
Bên cạnh đó, quy trình chiên mì hiện đại giúp kiểm soát nhiệt độ chiên một cách ổn định cũng như rút ngắn thời gian chiên. Tại các nhà máy lớn của các thương hiệu top đầu thị trường, mỗi lượt mì đi qua chảo chiên chỉ mất khoảng 2,5 phút. Theo các chuyên gia, việc kiểm soát nhiệt độ không vượt quá ngưỡng cho phép cũng giúp ngăn chặn phát sinh trans fat trong quá trình chiên.
Theo quy định của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ), nếu sản phẩm có chứa dưới 0,5g trans fat/khẩu phần ăn thì sẽ được công bố “0 gram trans fat”. Hiện nay, các sản phẩm mì ăn liền của các nhà sản xuất lớn tại Việt Nam có hàm lượng trans fat dao động chỉ 0,01-0,04 g/khẩu phần ăn và đạt chuẩn công bố “0 gram trans fat” của FDA.
Mẹ bầu nên ăn mì tôm như thế nào thì đúng cách?
Xét về khía cạnh dinh dưỡng, một gói mì ăn liền loại thông dụng (75g) thường chứa 40-50g bột đường, 10-13g chất béo và không ít hơn 6,8g đạm, có thể cung cấp cho cơ thể 300-350 Kcal – tương đương với 15-17% nhu cầu năng lượng mỗi ngày đối với người trưởng thành. Mì ăn liền được xếp vào nhóm thực phẩm cơ bản như cơm, bún, phở nên khi cần các bữa ăn nhanh chóng hoặc muốn thay đổi khẩu vị, các mẹ bầu vẫn có thể sử dụng mì ăn liền như một bữa phụ.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là không có một thực phẩm riêng lẻ nào hoàn hảo về mặt dinh dưỡng và cũng không nên ăn thực phẩm nào quá nhiều cả, kể cả khi đó là một thực phẩm tốt cho sức khỏe. Nếu muốn có các bữa ăn chất lượng về mặt dinh dưỡng, mỗi người phải tự biết cách chế biến, kết hợp nhiều loại thực phẩm với nhau và biết sử dụng thực phẩm với tần suất hợp lý. Nếu sử dụng mì ăn liền, các bà mẹ nên kết hợp với các thực phẩm đa dạng như thịt, tôm, trứng, rau,… để có những bữa ăn cân bằng và đủ chất. Ví dụ: một gói mì nên nấu cùng một chén rau nhỏ hoặc cùng 1 quả trứng hoặc 50g thịt.
Nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý là phải kết hợp đầy đủ 4 nhóm chất trong cùng một bữa ăn, gồm: Chất bột đường, chất đạm, chất béo, khoáng chất và vitamin. Phụ nữ trong giai đoạn mang thai thì càng phải chú ý tới chế độ dinh dưỡng để mẹ và con cùng khỏe. Để có được chế độ ăn phù hợp nhất với nhu cầu của mẹ và bé, phụ nữ mang thai nên đi khám tư vấn dinh dưỡng tại những cơ sở uy tín để được tư vấn chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và đa dạng thực phẩm.
“Từ những phân tích trên có thể thấy, việc phụ nữ mang thai lo lắng sử dụng mì ăn liền ảnh hưởng tới sức khỏe là không cần thiết. Vì thế, bạn không cần phải lo sợ, kiêng khem mà quan trọng là phải thực hiện ăn uống đa dạng, phong phú các loại thực phẩm và có sự cân bằng trong mỗi bữa ăn”, PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh kết luận.