Cá khô là một loại hải sản được rất nhiều người mê, đặc biệt là khi trời lạnh, cá khô hấp dẫn nhất khi được rán, chiên, rim mắm…
Là món đưa cơm như vậy, nhưng nhiều người lo lắng và đặt câu hỏi rằng, liệu ăn cá khô có tốt cho sức khỏe?
Được biết, đối với cá khô được phơi và bảo quản theo cách truyền thống, sau khi được đánh bắt từ biển về sẽ được ngư dân làm sạch, bỏ hết nội tạng, tẩm ướp qua nước muối hoặc gia vị để tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn cũng như tăng thời gian bảo quản. Và tuyệt đối không sử dụng bất cứ loại hóa chất bảo quản nào nên cá vẫn giữ nguyên được độ thơm ngon ban đầu nhưng thời gian lưu trữ chỉ khoảng vài tháng.
Tuy nhiên hiện nay, vì lợi nhuận trước mắt, các tiểu thương kinh doanh cá khô sẵn sàng sử dụng thêm các loại hóa chất bảo quản, chống thối, chống côn trùng để trộn, tẩm ướp vào cá. Việc thường xuyên ăn những loại cá này, lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Theo các bác sỹ, thực tế các loại động vật khi chết sau một giờ đã bị phân hủy, đạm bị phân hủy sẽ tạo ra histamine (thường xuất hiện với cá biển), nếu bảo quản không tốt thì lượng histamine càng nhiều, tạo độc tố cao, con người ăn vào sẽ bị dị ứng ngay. Hơn nữa, trong quá trình phơi sấy, vi sinh, nấm mốc phát triển làm cá khô bị phân hủy, tạo ra “gói độc chất” rất nguy hiểm. Chất này có thể không gây dị ứng ngay tức khắc mà tác hại lâu dài trong 5-10 năm sau, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể con người.
Bên cạnh đó, các bác sỹ cũng cho rằng, ngay cả đối với những hóa chất được dùng trong chế biến, bảo quản thực phẩm do bộ Y tế cấp phép cũng vẫn phải khống chế hàm lượng. Nếu sử dụng quá liều sẽ gây ngộ độc thực phẩm, nguy hiểm hơn là gây bệnh ung thư.
Vì sao cá khô ở chợ đến “ruồi” cũng không dám đậu?
Trước đó VNN đưa tin, TS Phùng Đức Nhật, Phó Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP.HCM (Bộ Y tế) cho biết, theo ghi nhận kết quả khảo sát trên địa bàn TP.HCM, cá khô có chứa trichlorfon và sorbitol, mắm có chứa Cd. “Điều đáng quan tâm là trichlorfon ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe”.
Được biết, trichlorfon là chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, người nuôi thủy sản sử dụng trichlorfon để diệt các loại ký sinh trùng trong nước, vì vậy cá rất dễ hấp thụ chất này. Khi ăn cá còn tồn dư trichlorfon, con người đã vô tình đưa chất này vào cơ thể.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng mặc dù là chất cấm nhưng trichlorfon còn được dùng làm thuốc diệt côn trùng như gián, ruồi, rệp… “Do vậy, khi cho trichlorfon vào cá khô thì sẽ không còn con ruồi nào dám bén mảng. Bằng mắt thường không thể xác định cá khô có hoặc không có trichlorfon”, ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, độc tính của trichlorfon rất cao. Khi hấp thụ vào cơ thể gây ra hiện tượng líu lưỡi, suy nhược, mất phản xạ… Nặng hơn có thể khiến nhịp tim bất thường, bất tỉnh, co giật, rối loạn tâm thần, thậm chí dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, “Sorbitol thường được sử dụng trong chế biến cá khô để lớp da bên ngoài bắt mắt hơn, nhìn tươi ngon và mềm mại như cá vừa chế biến. Ngoài ra, sorbitol cũng được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm nhưng với hàm lượng nhất định. Nếu hóa chất này vượt ngưỡng cho phép, người sử dụng có nguy cơ bị đau dạ dày, chảy máu trực tràng…”, ông Thịnh khuyến cáo.
M.H (th)