1. Các trường hợp hủy hóa đơn điện tử đã phát hành
Các trường hợp hủy hóa đơn điện tử đã phát hành được quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC. Cụ thể:
1- Trường hợp người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót.
2- Trường hợp người bán lập hóa đơn khi thu tiền trước/trong khi cung cấp dịch vụ theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2020 sau đó phát sinh việc hủy/chấm dứt việc cung cấp dịch vụ.
Như vậy, nếu thuộc 02 trường hợp trên thì người bán phải thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã phát hành chậm nhất là ngày cuối cùng của kỳ kê khai thuế phát sinh hóa đơn điều chỉnh.
2. Thủ tục hủy hóa đơn điện tử viết sai
Tùy từng trường hợp, thủ tục hủy hóa đơn điện tử viết sai sẽ được thực hiện khác nhau. Theo đó
– Trường hợp người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán:
-
Thông báo với cơ quan thuế theo mẫu 04/SS-HĐĐTvề việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót. Cơ quan thuế sẽ hủy hóa đơn điện tử đã được cấp mã có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế.
-
Lập hóa đơn điện tử mới, ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua.
– Trường hợp người bán lập hóa đơn khi thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP sau đó có phát sinh việc hủy/chấm dứt việc cung cấp dịch vụ thì người bán:
-
Tự hủy hóa đơn điện tử đã lập trên phần mềm kế toán mà doanh nghiệp sử dụng.
-
Thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn theo mẫu 04/SS-HĐĐT.
Cụ thể, khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về thời điểm lập hóa đơn như sau:
– Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã hay chưa thu được tiền.
– Trường hợp người cung cấp dịch vụ thu tiền trước/trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc/tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
3. Hủy hóa đơn điện tử có bị phạt không?
Nếu hủy hóa đơn điện tử thuộc các trường hợp phải hủy và không quá thời hạn thì sẽ không bị phạt. Đương nhiên các trường hợp hủy hóa đơn điện tử trái pháp luật sẽ bị xử phạt theo Điều 27 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP:
Stt
Mức phạt
Hành vi
1
Cảnh cáo
Hủy hóa đơn quá thời hạn từ 01 – 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn phải hủy hóa đơn theo quy định mà có tình tiết giảm nhẹ
2
02 – 04 triệu đồng
Hủy không đúng quy định các hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập, hóa đơn không còn giá trị sử dụng
Không hủy các hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập, không còn giá trị sử dụng; không hủy hóa đơn mua của cơ quan thuế đã hết hạn sử dụng
Hủy, tiêu hủy hóa đơn quá thời hạn từ 01 – 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn phải hủy hóa đơn theo quy định, trừ trường hợp (1)
3
04 – 08 triệu đồng
Hủy, tiêu hủy hóa đơn quá thời hạn từ 11 ngày làm việc trở lên, kể từ ngày hết thời hạn phải hủy, tiêu hủy hóa đơn theo quy định
Không hủy, không tiêu hủy hóa đơn theo quy định của pháp luật
Không hủy hóa đơn điện tử khi lập sai sót sau khi quá thời hạn cơ quan thuế thông báo cho người bán về việc kiểm tra sai, sót
Hủy, tiêu hủy hóa đơn không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật
Ngoài việc bị phạt tiền, một số trường hợp vi phạm còn buộc phải hủy hóa đơn điện tử đã phát hành theo đúng quy định.
Trên đây là quy định về các trường hợp hủy hóa đơn điện tử đã phát hành, nếu còn thắc mắc, vui lòng gọi ngay đến số 19006192 để các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam tư vấn miễn phí, nhanh chóng.